Sẽ tăng số lượng doanh nghiệp từ 10-15% mỗi năm
(Cadn.com.vn) - Nhằm mục tiêu đề ra các chính sách dài hạn thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (DN) của thành phố trong giai đoạn 2016 – 2020, ngày 11-5, Hội đồng Điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tọa đàm góp ý “Khung kế hoạch hành động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DNNVV Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020”. Đây là chương trình hỗ trợ Đà Nẵng của ADB đối với chương trình khởi nghiệp của Đà Nẵng.
Tăng thêm 10-15% số lượng DN
Theo TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Đà Nẵng, hiện nay cộng đồng DNNVV đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách thành phố và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN nói chung, giải quyết 86,75% việc làm trên tổng số lao động toàn thành phố. Tuy nhiên, DNNVV đang gặp khó khăn toàn diện trong các vấn đề như vốn, lao động, công nghệ, thị trường, mặt bằng sản xuất kinh doanh... Trong đó, phổ biến nhất là những khó khăn về tiếp cận thị trường mà đặc biệt là thị trường đầu ra trong nước (83,2%), tiếp đến là các khó khăn về tiếp cận vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng (79,4%). Bên cạnh đó, các DN cũng đối mặt một số khó khăn trong sử dụng lao động, và tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.
“Nhận thức được vai trò và vị trí của cộng đồng DNNVV, Đà Nẵng cấp thiết xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp và DNNVV giai đoạn 2016 – 2020 nhằm tạo “cú hích” cho sự phát triển của cộng đồng DN địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, nhằm tạo một lực lượng DN Đà Nẵng đủ lớn mạnh để đứng vững trên thị trường rộng mở trong bối cảnh hội nhập. Có như vậy, DN mới đóng góp bền vững vào tăng trưởng kinh tế thành phố, tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố”, ông Thái nhìn nhận.
Ông Thái cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, tăng số lượng DNNVV đăng ký hàng năm từ 10 – 15%; GDP tăng bình quân 10%/năm; mỗi năm tạo ra 3 vạn việc làm; từ đó tiến tới xây dựng thành phố khởi nghiệp có đổi mới sáng tạo của khu vực. Đối tượng để chương trình khởi nghiệp hướng tới là các DNNVV, đặc biệt là DN trẻ. Lĩnh vực ưu tiên khởi nghiệp: Dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics, tài chính - ngân hàng, giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Điện, điện tử, tự động hóa; Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Vật liệu mới, vật liệu composit, vật liệu nhẹ; Công nghệ xử lý môi trường; và một số lĩnh vực công nghệ đặc biệt khác...
Để đạt được mục tiêu trên cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy môi trường sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp của sinh viên, thanh niên; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; đẩy mạnh khả năng tiếp cận thị trường cho DN.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. |
Đẩy mạnh hợp tác công - tư để thúc đẩy khởi nghiệp
Theo ông Stanley Boots, Chuyên gia pháp lý cao cấp của Dự án Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân vùng Mekong của ADB, muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của DNNVV thì phải đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP), tức là phải làm sao cho DNNVV tham gia cung ứng các dịch vụ công. Ông Stanley Boots đưa ra một số mô hình hợp tác PPP, đó là: dự án thủy lợi, công viên, trung tâm thể thao giải trí; các dự án môi trường, giáo dục; chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng; các công trình công cộng quy mô nhỏ, bảo trì các công trình công cộng; chương trình quản lý và tái chế rác thải; dịch vụ an ninh và dịch vụ công; dịch vụ thực phẩm cho các cơ quan nhà nước... Bên cạnh đó, phải thành lập quỹ PPP rút gọn cho DNNVV, thành lập Vườn ươm PPP.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng, các quỹ đầu tư cho DN khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư là cần thiết, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng. Ngoài ra, thành phố nên lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Trung ương để tận dụng nguồn vốn, chính sách.
Ông Dominic Patrick Mellor - chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng ADB khẳng định Đà Nẵng cần có hàng loạt hoạt động thiết thực, triển khai các chương trình hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn cầu với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, ban ngành, giới chức và hội đoàn. Bên cạnh đó, các DNNVV cần cố gắng sáng tạo và xa hơn nữa là hãy đưa các sáng tạo, phát minh ấy đi sâu vào thực tiễn. “Sự hỗ trợ vốn và cả chính sách của Nhà nước để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo tại các DNNVV chỉ có thể xem như một liều thuốc kích thích và muốn khởi nghiệp thành công thì cần có sự hợp lực của mọi nguồn lực xã hội”, ông Patrick Mellor nói.
Theo TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính và cơ chế tài chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho DNNVV phát triển; thiết lập cơ chế bình đẳng giữa các loại hình DN trên địa bàn thành phố trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên... Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đánh giá tác động của các chính sách đối với các DNNVV, định kỳ tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với DNNVV, qua đó hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xuân Đương