Sheikha Moza – "quyền lực mềm" của Qatar

Thứ bảy, 15/11/2014 11:10

(Cadn.com.vn) - Sheikha Moza là người vợ thứ 2 của cựu Quốc vương Qatar - người vốn nổi tiếng xinh đẹp và quyến rũ. Giờ đây, phu nhân Moza còn được biết đến là người đàn bà quyền lực đằng sau những bài học giáo dục mang tính toàn cầu của Qatar.

Là nhà vận động không miệt mài cho giáo dục, bà Moza không ngại đi khắp nơi để có thể đem con chữ đến cho những trẻ em bất hạnh. "Mục tiêu của giáo dục tiểu học, một lời hứa bị phá vỡ trong nhiều thập kỷ, có thể đạt được trong 7 năm tới", bà Moza từng tuyên bố khi vận động cộng đồng quốc tế cung cấp giáo dục cho 58 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được đến trường.

Phu nhân Moza trong một lần đến thăm các trại tị nạn. Ảnh: BBC

Các nhà lãnh đạo thế giới từng đưa ra cam kết sẽ đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có việc tất cả trẻ em đều được đến trường, vào năm 2015. Nhưng thời hạn này là gần như sẽ phải bỏ qua khi mục tiêu có thể bị tuột đến năm 2030. Nhưng bà Moza, mẹ của người nắm quyền lực hiện tại của quốc gia Vùng Vịnh Arab giàu có này, gây chú ý khi tuyên bố có thể đạt mục tiêu thiên niên kỷ trong nửa thời gian đó.

"Mục tiêu có thể đạt được. Nhưng chúng ta thực sự cần những người dấn thân. Chúng ta cần các chính trị gia hiểu được sức mạnh của giáo dục cho đất nước họ, cho nền kinh tế của họ. Không nên xem giáo dục như là một sự xa xỉ mà đó là điều cần thiết", bà nói.

Sức mạnh mềm

Nhưng làm thế nào để có thể đạt mục tiêu này? Là thành viên có tiếng nói trong các ủy ban giáo dục của LHQ nhưng bà Moza cũng chỉ có thể khai thác nguồn lực tài chính từ dầu và khí đốt của Qatar cho công cuộc giáo dục.

Bà phát động chiến dịch của riêng mình, "Giáo dục trên tất cả", nhằm mục đích nhận thêm 10 triệu trẻ em vào trường với chi phí khoảng 1 tỷ USD, trong đó có hơn 300 triệu USD đến từ Qatar. Nhưng tại sao giáo dục có sức quyến rũ đến vậy? Không chỉ đối với bà Moza mà đối với cả Qatar? Quốc gia Vùng Vịnh này tài trợ cho hàng loạt dự án rộng lớn tại hơn 30 quốc gia, thường ở những nơi không có lợi ích chiến lược rõ ràng. Một nửa ngân sách viện trợ nước ngoài cho nước này đổ về cho giáo dục, tỷ lệ cao nhất  thế giới. Đây được cho là một thứ quyền lực mềm, giúp Qatar gây ảnh hưởng thông qua văn hóa và học tập.

Nhưng bà Moza, từng bác bỏ điều này tại hội nghị thượng đỉnh giáo dục hàng năm tại Doha. "Tôi chưa bao giờ nghĩ như thế. Mọi người luôn nghĩ rằng bạn nên liên kết viện trợ nước ngoài với lợi ích quốc gia. Liệu có cần phải luôn như thế? Tôi xem đây như là một trách nhiệm", bà tuyên bố.

Tức giận và thất vọng

Bà từng đến thăm các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kenya và từng nói rằng, các gia đình có thể "mất phẩm giá, niềm tự hào, tài sản và nhà cửa"  nhưng họ không nên đánh mất cơ hội được giáo dục.

Bà hiện đang làm việc với Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) về việc mở hệ thống giáo dục vào các trại tị nạn. Cho đến nay, những ưu tiên cho người tị nạn vẫn là nơi trú ẩn, thực phẩm. Một số gia đình không thể cho con gái đến trường vì không có điện. Trẻ em phải đi bộ hàng chục ki-lô-mét để đến được trường học. Trong cuộc hành trình này, các em có thể bị bắt cóc hoặc bị tấn công. Đó là tình huống khủng khiếp.

Các vụ bắt cóc nữ sinh ở Nigeria - và tấn công tự sát tại trường học - khiến người ta lo ngại. Tuy nhiên, ai ai cũng vẫn hy vọng, công cuộc vì giáo dục của bà Moza sẽ thành công tốt đẹp.

Thanh Văn
(Theo BBC)