Siêu lừa công nghệ cao chiếm đoạt tiền tỷ

Thứ tư, 18/10/2017 19:00

Thuê người mở tài khoản ATM, bỏ tiền túi mua tên miền trên mạng rồi dùng thủ thuật chỉnh sửa sau đó lập website đăng tin trúng thưởng đánh lừa người sử dụng mạng xã hội facebook, Zalo, từ giữa năm 2015 đến nay, Phạm Quốc Thịnh (1994, trú khối 5, P. Vĩnh Điện, TX Điện Bàn, Quảng Nam) đã đưa hàng chục nạn nhân vào bẫy lừa, chiếm đoạt tiền tỷ. Dù sử dụng nhiều mánh khóe gian manh hòng qua mặt các cơ quan chức năng, nhưng Thịnh đã bị lực lượng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) CATP Đà Nẵng “lật mặt”.

CQĐT đọc lệnh bắt Thịnh ngày 17-10.

Thuê mở tài khoản ATM để lừa!

Ngày 17-10, tại CAP Vĩnh Điện (TX Điện Bàn), Cơ quan CSĐT CATP đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở và bắt tạm giam Thịnh về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Xin được nói thêm, đây là hành vi lừa đảo đã xuất hiện nhiều, nhưng với Thịnh, thủ đoạn thực hiện tinh vi, xảo quyệt hơn.

Qua công tác nắm tình hình, thời điểm tháng 6-2017, TS Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng CSKT CATP Đà Nẵng) phát hiện Thịnh có hành vi lừa đảo nên đề xuất và được Ban Giám đốc CATP đồng ý thành lập chuyên án đấu tranh làm rõ, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để người dân cảnh giác.

Theo tài liệu điều tra của TS và tìm hiểu của phóng viên, năm 2015, Thịnh là sinh viên một trường trung cấp tin học tại Hội An (Quảng Nam). Thích đua đòi, muốn có tiền ăn chơi cùng bạn bè nên Thịnh bỏ bê học hành. Với kiến thức tin học của mình, Thịnh “trổ tài” bằng cách mua tên miền trên mạng rồi chỉnh sửa, sau đó thiết lập website, đăng tin trúng thưởng đánh lừa người sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, Thịnh không thiên về cách chiếm đoạt tiền qua thẻ cào điện thoại mà “đẻ” ra chiêu mới. Cụ thể, từ giữa năm 2015 đến nay, Thịnh đã nhờ nhiều người môi giới để thuê Nguyễn Văn Muôn, Nguyễn Thanh Hiếu (cùng sinh 1994, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) mở thẻ ATM mang tên 2 người này, sau đó đưa cho Thịnh sử dụng, mỗi tài khoản Thịnh trả công cho chủ thẻ 500 đến 1 triệu đồng. Khi thuê làm thẻ, Thịnh nói dối là có người thân gửi tiền cho mình nên nhờ.

Sau khi có tài khoản, Thịnh lên mạng mua tên miền nước ngoài và Hosting tại trang web: www.1and1.com qua hình thức thanh toán bằng Paypal và sử dụng tài khoản mail dùng một lần lập tại trang web: www.10minutemail.net. Có tên miền và Hosting, Thịnh lấy các đoạn mã Code trên mạng Internet về tự chỉnh sửa đăng tin trúng thưởng lên các trang như: quatanghe2016.com, thongbaonhanqua.com, thongbaosukien24h.com... Bên cạnh đó, Thịnh còn sử dụng phần mềm tải về từ trang web: plus24h.com để gửi tin nhắn trúng thưởng qua facebook cho nhiều người. Phần mềm này có chức năng tự động gửi tin nhắn trúng thưởng cho những người có trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội và tự động tìm kiếm, kết bạn như trang facebook, zalo. Về hình thức trúng thưởng, Thịnh vẽ ra giải thưởng là xe SH125i trị giá 90 triệu đồng và 1 năm sử dụng xăng miễn phí, kèm theo 100 triệu đồng tiền mặt. Từ chiêu này, hơn 2 năm qua, Thịnh đã lừa được tổng cộng hơn 50 người với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo CQĐT, đây mới là con số ban đầu. Với người được thông báo trúng thưởng, do hám lợi nên sẵn sàng bỏ 3 - 30 triệu đồng nộp vào tài khoản do Thịnh cung cấp gọi là phí làm thủ tục xe và vận chuyển hàng, quà. Nhiều nạn nhân khi được cơ quan CA hỏi lý do tin Thịnh đều cho biết, lúc chuyển tiền, do tên tuổi, tài khoản và số CMND rất trùng khớp nên không nghĩ là bị lừa.

Phạm Quốc Thịnh.

Thủ đoạn tinh vi

Theo các TS, khác với những đối tượng lừa qua mạng Internet bị bắt gần đây, thủ đoạn của Thịnh rất tinh vi. Nếu như các đối tượng trước đây mua tên miền rồi lừa dưới hình thức thẻ cào điện thoại thì Thịnh thuê mở ATM rồi yêu cầu chuyển tiền trực tiếp. Vì tin chủ thẻ làm tại ngân hàng là thật nên người dân ít nghi ngờ. Thêm vào đó, tất cả các tài khoản ATM Thịnh thuê làm đều là Ngân hàng NN&PTNT với mục đích để lừa những người dân sống tại các tỉnh miền núi, bởi thông thường miền núi không có ngân hàng thương mại cổ phần. Khi kết bạn trên mạng, Thịnh cũng lựa chọn những người sống ở địa bàn này, sau đó tung thông tin trúng thưởng. “Ngay cả thuê bao điện thoại Thịnh cũng lựa chọn 5 thuê bao 10 số của các mạng MobiFone và Viettel để tạo lòng tin chứ không như các đối tượng trước đây sử dụng sim rác 11 số. Quá trình giao dịch, để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, mỗi thuê bao Thịnh dùng lừa vài người rồi tạm thời bỏ, sau đó vài tháng sau dùng lại. Quá trình điều tra, chúng tôi còn phát hiện, Thịnh sử dụng các thuê bao được chừng 1 năm là vứt xuống sông rồi mua thuê bao khác sử dụng. Thậm chí, chiếc máy tính sử dụng lâu Thịnh cũng cho trôi theo dòng nước tránh rủi ro về sau” - một TS kể. Cũng theo các TS, mỗi lần lừa thành công người chuyển tiền qua tài khoản ATM, Thịnh đi rút tiền đều bịt kín mặt và ít khi rút 2 lần trên cùng một cây ATM, mà lúc rút tại Quảng Nam, lúc tại Đà Nẵng hoặc Hội An.

Tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng lừa được của nạn nhân, Thịnh làm gì? Khai nhận với cơ quan CA, Thịnh cho hay đã sử dụng và thuê khách sạn để làm “văn phòng giao dịch”. Cụ thể suốt 2 năm qua, Thịnh thường xuyên thuê khách sạn Hoàng Long và Hải Âu (đường Nguyễn Tất Thành) với mức giá 200.000 đồng/ngày đêm. Ngoài thời gian “làm việc”, Thịnh thường đến những điểm ăn chơi về đêm như bar, vũ trường uống rượu ngoại. Dù xuất thân từ quê, nhưng do “làm ra tiền” nhiều, mỗi lúc vui chơi, Thịnh đều thể hiện đẳng cấp của cánh ăn chơi thứ thiệt.

Phải nói rằng, hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thời gian qua đang diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc cho xã hội. Qua bài viết này, những ai từng bị Thịnh lừa chuyển tiền qua 2 tài khoản mang tên Nguyễn Văn Muôn (số tài khoản 2003206132837) và Nguyễn Thanh Hiếu (2000206425861), mời cung cấp thông tin qua số đường dây nóng của Phòng CSKT CATP Đà Nẵng (0694260260) để CQĐT tiếp tục đấu tranh.

CÔNG HẠNH