“Siêu thứ ba” – ngày quan trọng cho cuộc đua Nhà Trắng
(Cadn.com.vn) - Sau khi cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nevada kết thúc, tất cả các ứng cử viên của hai đảng đều dốc hết sức chuẩn bị cho ngày “Siêu thứ ba” - sự kiện mang tính bước ngoặt trong bầu cử Tổng thống Mỹ.
Siêu thứ ba” được dùng để chỉ ngày thứ ba đầu tiên của tháng 2 hoặc tháng 3 của năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Năm nay, “Siêu thứ ba” rơi vào ngày 1-3 (giờ Mỹ), thời điểm tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ tổ chức đồng thời bầu cử sơ bộ hoặc họp kín để chọn ra ứng cử viên mà mình tâm đắc nhất để đại diện cho đảng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
“Siêu thứ ba” ra đời từ năm 1988 nhằm đánh bật sức ảnh hưởng của cái gọi là “hội chứng Iowa”. Iowa là bang đầu tiên bỏ phiếu sơ bộ trong bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bang này không nên làm đại diện cho bầu cử Tổng thống ở Mỹ bởi đây chỉ là bang nhỏ và các ứng viên thường đổ tiền mạnh cho chiến dịch tranh cử tại đây. Vì vậy, “Siêu thứ ba” là sự kiện để một ứng viên chứng tỏ họ có sức ảnh hưởng lôi kéo các cử tri ở toàn quốc chứ không phải từng bang riêng lẻ. Và người chiến thắng trong ngày “Siêu thứ ba” sẽ có nhiều triển vọng trở thành ứng viên chính thức của đảng ra tranh cử tổng thống.
“Siêu thứ ba” có tính quyết định chiến thắng của các ứng cử viên của 2 đảng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Ảnh: ABC |
Số lượng bang tham gia
Việc bỏ phiếu sơ bộ để chọn ra ứng cử viên của cả 2 đảng sẽ diễn ra tại 11 bang gồm Alabama, Arkansas, Georgia, Massachusetts, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont, Virginia...
Trong đó, đảng Cộng hòa sẽ tổ chức họp kín tại vùng lãnh thổ Alaska và Minnesota, trong khi đảng Dân chủ sẽ diễn ra ở Colorado, Minnesota và vùng lãnh thổ Samoa. Cử tri của đảng Dân chủ ở nước ngoài cũng được bỏ phiếu. Ngoài ra, đảng Cộng hòa tổ chức các sự kiện khác liên quan đến bầu cử ở Colorado, Bắc Dakota, Wyoming và vùng lãnh thổ Samoa và Guam nhưng không phải dưới hình thức bỏ phiếu. Lãnh đạo đảng tại các bang này sẽ chỉ định ra các đại biểu cho ứng cử viên của mỗi đảng.
Yếu tố giành chiến thắng
Trong ngày “Siêu thứ ba”, đảng Cộng hòa sẽ có 595 đại biểu, tương đương 25% trong tổng số các đại biểu của đảng, sẽ đi bỏ phiếu. Mỗi ứng viên của đảng này cần ít nhất 1.237 lá phiếu ủng hộ để trở thành ứng viên duy nhất đại diện đảng ra tranh cử Tổng thống.
Trong khi đó, mỗi ứng viên của đảng Dân chủ, cụ thể là bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders, phải giành sự ủng hộ của 1.004 đại biểu trong ngày này và 2.383 là số phiếu cần thiết để một trong hai ứng viên nhận được đề cử đại diện đảng ra tranh cử. Trong đảng Dân chủ có những người được gọi là “siêu đại biểu”, tức những người có tầm ảnh hưởng lớn. Nhiều “siêu đại biểu” trong số này tuyên bố ủng hộ bà Clinton. Tuy nhiên, họ có thể thay đổi quyết định nếu nhận thấy cử tri ủng hộ một ứng viên nào khác.
Tính quyết định
Trước kia, “Siêu thứ ba” mang tính chất quyết định chiến thắng của các ứng cử viên của 2 đảng.
Cụ thể, Thượng nghị sĩ Mitt Romney được đề cử làm ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa sau khi giành chiến thắng ở sự kiện “Siêu thứ ba” năm 2012. Tuy nhiên, kết quả năm nay không hoàn toàn quyết định khi nhiều bang quan trọng lùi thời gian bỏ phiếu sau ngày 1-3. Đây sẽ là cơ hội cho Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và cựu Thống đốc bang Ohio John Kasich lật ngược tình thế với ứng viên đang thắng thế là Donald Trump.
Hiện tại, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump bước vào ngày “Siêu thứ ba” với số đại biểu ủng hộ là 82, hơn Thượng nghị sĩ Ted Cruz 55 đại biểu. Về phía đảng Dân chủ, 505 là số người ủng hộ bà Clinton trong khi đối thủ bám theo sau là ông Bernie Sanders chỉ có 71 đại biểu.
Tuệ Khanh
(Theo BBC)