Singapore sẵn sàng “sống chung với COVID-19”

Thứ năm, 15/07/2021 10:52

Singapore đã quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từ hôm 12-7. Theo BBC, đây được xem là thông báo cuối cùng trước khi người dân đất nước này tham gia “tình trạng bình thường mới” và “sống chung với COVID-19”.

Người dân Singapore xếp hàng chờ sử dụng dịch vụ giúp truy vết COVID-19 hôm 7-7. Ảnh: Getty

Theo chuyên gia của BBC, một quốc gia nhỏ về diện tích lãnh thổ và quy mô dân số như Singapore, có nền kinh tế mở, giao thương sâu rộng với bên ngoài chắc chắn phải hiểu rõ không thể đóng cửa để ngăn dịch lâu dài theo chính sách “dập dịch hoàn toàn”. Singapore trên thực tế đã chuẩn bị kế hoạch “sống chung với COVID-19” một cách cẩn trọng, có chuẩn bị kỹ và có cân nhắc cả ba yếu tố: chính trị, kinh tế và khoa học. Khi thực hiện kế hoạch dài hơi này, chính quyền đã tỏ ra linh hoạt, kịp thời điều chỉnh quyết định chiến lược để phù hợp với thực tế.

Kịch bản “thoát COVID-19”

Trong số hơn 94 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp siết chặt giãn cách xã hội để chống dịch, và rất nhiều các quốc gia đưa ra quyết định bằng ý chí chính trị, chính quyền Singapore được cho đã tham vấn và sử dụng khuyến nghị từ giới khoa học và y học.

Lancet Regional Health, tạp chí y khoa thuộc một trong các tờ tạp chí y khoa uy tín và lâu đời nhất trên thế giới được Bộ Y tế Singapore tài trợ nghiên cứu và khuyến nghị các kịch bản “thoát COVID-19” cho chính phủ Singapore. Tổ chức này đã nghiên cứu ảnh hưởng của phong tỏa và giãn cách xã hội, của cách ly và điều trị người bệnh có triệu chứng nhẹ bên ngoài bệnh viện, về việc nên mở cửa trường học ngay lập tức và giảm nhẹ các biện pháp giãn cách xã hội tại Singapore so với kịch bản phải phong tỏa và giãn cách xã hội lâu dài.

Nhờ có những nghiên cứu khoa học của các tổ chức như Lancet Regional Health, chính quyền Singapore đã có cách xử lý thành công đợt bùng phát dịch tại khu lưu trú công nhân nước ngoài, hạn chế ảnh hưởng tối thiểu lên cộng đồng dân cư, bảo vệ được bệnh viện và hệ thống y tế, và quan trọng nhất, là cách sống chung với COVID-19.

Giãn cách xã hội để “câu giờ” chờ vaccine

Thời điểm mới bùng phát dịch COVID-19 đầu năm 2020, Singapore cùng một số quốc gia Châu Á được cho là đã kiểm soát dịch hiệu quả, giữ số ca nhiễm ở mức dưới 2 con số mỗi ngày.

Và cùng với đó, chính quyền Singapore đã sớm mạnh tay chi hơn 1 tỷ SGD và thành lập nhóm tìm kiếm, lựa chọn, đầu tư vào các hãng dược phẩm sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 cho mình. Có thể thấy Singapore đã sớm nhận ra vaccine, miễn dịch cộng đồng, hay ít nhất là cùng tồn tại với virus mới chính là đích cuối cùng. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiết lộ trong một phiên truyền hình trực tiếp vào cuối năm 2020 rằng chính phủ đã sớm lập cơ quan chuyên trách và chi hơn 1 tỷ SGD từ tháng 4-2020 để có quyền được tiếp cận, sở hữu và sớm mang được số vaccine cần thiết về nước ngay từ năm 2020.

Từ tháng 4-2020 đến cuối tháng 6-2021, chính quyền Singapore đã nhiều lần thi hành giãn cách xã hội: nới lỏng, siết chặt lại, rồi tiếp tục nới lỏng, áp dụng những biện pháp tạm thời để duy trì nền kinh tế, duy trì hệ thống y tế khỏi đổ vỡ vì quá tải. Sau đó, có lẽ do chủ động nắm được nguồn cung vaccine cần thiết và chuẩn bị tốt nên chính quyền Singapore đã triển khai tiêm khá nhanh, phân bổ hợp lý, không xảy ra hỗn loạn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Singapore không vội vã “mở cửa” toàn bộ đất nước và hủy bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng, giống như Anh hay Mỹ, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của Singapore cũng cao như hai quốc gia này. Trên thực tế, các loại vaccine COVID-19 mà Singapore đang sử dụng, tuy được sản xuất bởi các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới, được cấp phép khẩn cấp, chưa thể khẳng định chắc chắn hiệu quả của nó đối với các biến thể mới, cũng như tác dụng phụ của chúng. Lãnh đạo Singapore cũng bày tỏ quan ngại về việc còn lâu mới đạt được miễn dịch cộng đồng (cần từ 90% đến 95% dân số được tiêm chủng đầy đủ) và tốc độ lây lan nhanh của các biến thể virus mới.

Tuy nhiên, ông KC Gupta, một chuyên gia y tế Singapore cho rằng, quyết định “sống chung với COVID-19” thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo và thái độ thận trọng về độ mở cửa của chính quyền phản ánh trách nhiệm cao đối với sức khỏe cộng đồng.

KHẢ ANH