Singapore và "huyền thoại" an ninh lương thực
(Cadn.com.vn) - Không những là "con rồng" phát triển kinh tế đáng ngưỡng mộ, Singapore còn là quốc gia xếp thứ hai về an ninh lương thực trên toàn thế giới.
An ninh lương thực đang là mối đe dọa nghiêm trọng trên thế giới. Dân số tăng, biến đổi khí hậu, thay đổi trong thói quen ăn uống... tất cả đang góp phần tạo ra mối lo ngại về lương thực.
Trong những năm tới, an ninh lương thực ở hầu hết các nước sẽ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Đối với Singapore, quốc gia nằm trong số các nền kinh tế mở nhất thế giới và phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tình hình có thể còn phức tạp hơn. Sự suy giảm trong nền kinh tế của các đối tác thương mại chính sẽ tác động đến nền kinh tế của Singapore, trong đó có vấn đề an ninh lương thực.
Chỉ sau Mỹ
Đơn vị Tình báo Kinh tế gần đây xếp hạng Singapore là quốc gia an ninh lương thực thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: khả năng chi trả, tính sẵn có, chất lượng và an toàn. Singapore xếp thứ 1, thứ 11 và thứ 13 trên 3 tiêu chí tương ứng. Điều này giúp Sigapore dẫn trước các nước sản xuất thực phẩm lớn như Malaysia (xếp thứ 34), Brazil (36) và Australia (9). Thành tích này chủ yếu là nhờ Cơ quan Thực phẩm Nông nghiệp và Thú y (AVA), bất chấp sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu lương thực. Hiện, Singapore nhập khẩu gần 90% lương thực, và chưa tới 1% diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp.
Thông qua Lộ trình An ninh lương thực, AVA đa dạng hóa các nguồn lương thực và tối ưu hóa sản xuất trong nước. Những chính sách này, đặc biệt là tìm cách đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu lương thực, là hết sức quan trọng vì chúng giúp giảm bớt các rủi ro liên quan đến nhập khẩu lương thực của Singapore. Khu vực lương thực Trung Quốc-Singapore được thành lập ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, trong năm 2010, là một ví dụ về những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm.
Nhập khẩu ròng thực phẩm, đồ uống và rượu của Singapore khá cao, vào khoảng 15,57 tỷ SGD (10,9 tỷ USD) vào năm 2014. Singapore là thị trường bán lẻ thực phẩm quan trọng nhất của Mỹ và Australia. Mỹ coi Singapore là quốc gia đa dạng, năng động, phát triển cao, cực kỳ cạnh tranh, và rất nghiêm khắc với các yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Trong năm 2013, Mỹ xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm bán lẻ đến Singapore trị giá khoảng 575 triệu USD, thị trường lớn thứ 13 của Mỹ.
Singapore cần giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp lương thực từ bên ngoài. |
Khả năng thay thế
Từ góc độ chính sách, Singapore xoay xở để thực hiện các nhiệm vụ khó khăn trở thành đất nước có nguồn lương thực an toàn bằng cách tăng cường khả năng khôi phục nguồn cung cấp.
Chính sách đa dạng hóa các nguồn, quỹ thực phẩm, tạo điều kiện nhập khẩu thực phẩm là các yếu tố quan trọng của chiến lược quy hoạch tốt và nhịp nhàng. Tuy nhiên, trong 50 năm tới, tình hình có thể sẽ phức tạp hơn nếu Singapore không tìm được nguồn thay thế, giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Singapore có thể làm gì khác? Một cách khác là hạn chế lãng phí thực phẩm. Ngoài ra, Singapore phải tiếp tục đầu tư cho ngành khoa học thực phẩm và công nghệ, xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện trên bờ biển phía Đông, đầu tư hoặc hợp đồng canh tác nông nghiệp ở nước ngoài.
An Bình (Theo Diplomat)