Sinh viên Bách khoa chế tạo tàu du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời

Thứ năm, 06/08/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Xuất phát từ nhu cầu về du lịch tàu thuyền cỡ nhỏ trên sông hồ, ven biển, nhóm 6 sinh viên thuộc Khoa Cơ khí Giao thông của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã chế tạo ra tàu du lịch hai thân chạy bằng năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng.

Chạy thử tàu năng lượng mặt trời trong hồ nước trường ĐH Bách khoa. 

Sau hơn 1 năm lên ý tưởng và thực hiện, tàu du lịch hai thân bằng vật liệu composite sử dụng năng lượng mặt trời đã ra đời thành công trong niềm hân hoan của các chàng trai đam mê công nghệ. Đây là kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, đoạt giải nhất vì những tính năng đặc biệt của sản phẩm và khả năng ứng dụng thực tế cao. Chiếc tàu với thiết kế nhỏ gọn, chở được 2 người, có chiều dài 2.1m, rộng 1.2m, chiều cao mạn tàu 0.4m và chiều cao chìm 0.2m.

Trải qua nhiều lần sửa chữa và hoàn thiện, theo mẫu thiết kế ban đầu, tàu có thể chạy với vận tốc 16 km/h trong vùng hoạt động có chiều cao sóng nhỏ hơn 0.15m, đồng thời chạy liên tục trong vòng 30 phút với tốc độ trung bình. Đặc biệt, tàu du lịch do nhóm sinh viên này thiết kế được làm từ vật liệu composite - một phức hợp nhẹ, lại không bị ăn mòn hóa học nên được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo máy, sản xuất tàu thuyền...

Trước thực trạng môi trường hiện nay với nhiều chuyển biến xấu, thiết kế tàu du lịch này càng được đánh giá cao hơn khi hoạt động bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời mà không sử dụng bất cứ động cơ thải khí nào gây ô nhiễm. Theo sinh viên Võ Văn Nhật - Trưởng nhóm nghiên cứu, để sử dụng được năng lượng mặt trời, nhóm dùng bộ sạc solar để sạc pin. Trong suốt quá trình hoạt động hoặc khi để ở bến, tàu sẽ tiếp nhận năng lượng từ ánh sáng mặt trời, qua bộ sạc chuyển thành năng lượng điện để đi xuống ắc quy, cung cấp điện cho động cơ hoạt động.

Tàu có các chế độ tiến - lùi xoay quanh một trục rất linh hoạt, chạy rất êm và không gây tiếng ồn, rất an toàn và độ ổn định cao. "Chiếc tàu này hoàn toàn có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống và rất dễ sử dụng. Không cần kỹ năng gì nhiều, chỉ vài thao tác đơn giản thì một người trên 16 tuổi đã có thể điều khiển được tàu", Nhật chia sẻ.

Để chế tạo nên một sản phẩm kì công như vậy và ứng dụng vào thực tế không phải là chuyện dễ, nhất là với các sinh viên. Nhật cho biết: "Khó khăn lớn nhất của nhóm là kỹ năng thực hành. Do ít có cơ hội trải nghiệm nên khi bắt tay vào chế tạo, tụi mình phải tìm hiểu lại từ đầu, từ khâu phân tích thiết kế cho đến xây dựng tuyến hình, hình dáng, hệ thống điện năng lượng mặt trời và quan trọng nhất là tính an toàn cho sản phẩm. Hơn nữa, do tất cả đều là sinh viên nên vấn đề kinh phí cũng là một trở ngại lớn".

Sản phẩm nghiên cứu được trưng bày tại Triển lãm công nghệ ĐH Bách khoa 2015. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và ủng hộ từ lãnh đạo nhà trường, Đoàn trường, các thầy cô trong khoa và sự hướng dẫn tận tình của thầy Nguyễn Tiến Thừa - Giảng viên Khoa Cơ khí Giao thông, nhóm nghiên cứu của Nhật đã vượt qua tất cả cùng với sự lao động không mệt mỏi để ứng dụng thành công sản phẩm này vào thực tế. Thầy Thừa cho biết, tàu sử dụng năng lượng sạch, do đó vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa không gây ô nhiễm. Đặc biệt, thành công của các bạn như được nhân đôi khi "đứa con tinh thần" trong suốt một năm trời nghiên cứu đã được Cty TNHH Vũ Phong (Bình Dương) - một Cty chuyên về năng lượng mặt trời, đồng ý tài trợ cho hệ thống năng lượng mặt trời, khiến các sinh viên rất vui mừng và có thêm động lực để hoàn thành.

"Việc xin được tài trợ không những giải quyết được vấn đề thiết bị, tài chính mà còn thể hiện được bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của sinh viên", thầy Thừa nói. Thành quả lần này không chỉ là bước khởi đầu thuận lợi cho những nghiên cứu tiếp theo trong tương lai của các kỹ sư mới ra trường, mà quan trọng hơn, các bạn đã có được những kinh nghiệm, những bài học đáng quý từ chính thực lực của mình.

Với tàu du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời, nhóm sinh viên chế tạo đã giải quyết được vấn đề về đa dạng hóa du lịch ven sông, biển bằng "năng lượng xanh" trong phát triển bền vững du lịch và bảo vệ môi trường. Trong tương lai, hy vọng sản phẩm đầy sáng tạo và mang tính tiện dụng này sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức để có thể phát triển rộng rãi ra thị trường, góp phần vào việc xây dựng môi trường trong lành, sạch đẹp.                    

Thảo Vy