Sinh viên hiện thực hóa ý tưởng vì cộng đồng

Thứ hai, 15/01/2018 11:13

Từ những ý tưởng sáng tạo độc đáo, các bạn sinh viên đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp tháo gỡ khó khăn mà người dân đang gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Sau nhiều vòng tranh tài, các ý tưởng đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải cao tại Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khác biệt HUEIC CHALLENGE năm 2017 do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức.

Nhóm tác giả biến rác thải thành nơi tham quan. 

Biến rác thải thành nơi tham quan

Với ý tưởng sáng tạo “Chuỗi trung tâm dịch vụ trò chơi khám phá và trải nghiệm tái chế rác thải”, nhóm sinh viên Bùi Chí Thiện (trưởng nhóm), Thanh Hữu Tình, Thái Thị Thu Hiền và Phan Thị Trang đã xuất sắc đạt giải nhất Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khác biệt HUEIC CHALLENGE năm 2017. Theo nhóm tác giả, trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai, với nguồn rác thải khổng lồ mà con người thải ra hằng ngày, có những loại rác có thể phân hủy ở môi trường tự nhiên, nhưng có loại rác phải mất hàng trăm năm mới được phân hủy. Mặt khác, những chỗ vui chơi của trẻ em bây giờ rất ít... “Từ thực tế đó, chúng em nghĩ rằng vì sao mình không tận dụng rác để tái sử dụng và tạo ra những sân chơi bổ ích cho các em nhận thức được những vấn đề đang diễn ra đối với môi trường. Với nguồn nguyên liệu rác khổng lồ như thế, chúng em đã tạo ra Trung tâm trải nghiệm, khám phá tái chế rác thải. Và điều độc đáo là những sản phẩm được làm hoàn toàn từ những vật liệu an toàn với người sử dụng, thân thiện với môi trường”,  Bùi Chí Thiện chia sẻ.

Theo đó, nhóm tác giả tiến hành xây dựng chuỗi cửa hàng trải nghiệm (khách hàng tự tay làm ra sản phẩm dựa trên hướng dẫn và các dụng cụ, máy móc cửa hàng trang bị - PV) với các sản phẩm như: thiệp, phong bì, tranh vẽ, bao gói quà... từ giấy loại, carton thông qua công nghệ tái chế; sản phẩm lưu niệm làm trên giấy sản xuất từ bèo lục bình, rơm, lá tre...; các sản phẩm màu vẽ từ màu của lá cây, hoa củ quả như lá dứa, cà rốt, gấc... Hay các hộp đựng viết, tặng phẩm từ các nguyên liệu tái chế: vỏ lon nhôm, vỏ chai nhựa, chai thủy tinh...

Theo các tác giả, ở chuỗi trung tâm được hình thành có 3 khu vực liên hoàn. Đó là khu tái chế mà ở đó mọi người có thể sáng tạo làm ra những sản phẩm mà mình thích từ rác thải. Khu vườn xanh là khu vực được tận dụng tầng thượng của trung tâm. Tại đây mọi người có thể tự tay trồng những nông sản sạch có thể thưởng thức thành quả của mình khi đến trung tâm lần sau. Và khu thư giãn, rất phù hợp với mọi người sau khi những giờ làm việc và học căng thẳng. Mọi thứ ở khu thư giãn này được làm từ vật liệu tái chế từ bàn, ghế, đèn... tạo cảm giác thoải mái cho người dân đến đây.

 Bùi Chí Thiện cho biết, các em sẽ đưa chuỗi trung tâm này sẽ liên kết với các trường học, khu văn hóa thiếu nhi tạo ra các tour để các em được trải nghiệm và nâng cao ý thức hơn để bảo vệ môi trường. Dự án áp dụng chủ yếu cho học sinh cấp tiểu học, mẫu giáo, cấp 2, các hộ gia đình muốn dành thời gian bên con cái cuối tuần... “Lợi ích chính của chuỗi trung tâm là tái tạo nguyên vật liệu bảo vệ môi trường, giúp mọi người nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường, là nơi giúp mọi người thoải mái sáng tạo, làm ra những sản phẩm phục vụ cho đời sống, làm đồ handmade (làm bằng tay) tặng bạn bè hoặc người thân từ những đồ dùng dường như đã bỏ đi”, trưởng nhóm chia sẻ.

Hai tác giả của ý tưởng tìm sách qua giọng nói.

Tìm sách qua giọng nói

Đó là ý tưởng sáng tạo “Quản lý thư viện” của em Nguyễn Quốc Tuấn và Dương Minh Hoàng - sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Ý tưởng này đạt giải ba trong cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo HUEIC CHALLENGE 2017”. Theo Tuấn và Hoàng, việc quản lý một hệ thống thư viện với hàng chục ngàn đầu sách, quản lý việc mượn trả sách của hàng ngàn độc giả hoặc tìm kiếm những quyển sách phù hợp với nhu cầu độc giả là vô cùng phức tạp và tốn nhiều thời gian. “Em rất thích đọc sách nhưng quá trình tìm kiếm sách với nhu cầu của mình lại mất quá nhiều thời gian, quá trình đăng ký sách lại phiền phức với các thủ tục điền thông tin, ký tên... Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, chúng em đã có ý tưởng về xây dựng phần mềm chương trình quản lý thư viện áp dụng công nghệ thông tin”, Minh Hoàng chia sẻ. Phần mềm hoạt động trên máy tính, thiết bị IOT nhận diện giọng nói và ứng dụng trên điện thoại, lập trình bằng ngôn ngữ Java trên công nghệ Javafx. Phần mềm có những hoạt động chính như quản lý thủ thư, quản lý sách, quản lý độc giả, tìm kiếm.

Điểm khác biệt so với các phần mềm khác trên thị trường là phần mềm của 2 sinh viên này áp dụng công nghệ Voice Recognition (Nhận diện giọng nói - P.V) để tìm kiếm sách phù hợp theo tên, tác giả, thể loại. “Ưu điểm của phần mềm “Quản lý thư viện” là có chức năng tìm kiếm bằng giọng nói. Công nghệ nhận diện giọng nói cho biết được người dùng đang nói gì, từ đó chuyển thể thành lệnh để thiết bị thực thi hoặc chuyển đổi thành các ký tự nhập liệu, rất phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian. Qua đó, mang lại hiệu quả trong công tác quản lý thư viện, làm cho độc giả cảm thấy thú vị với công nghệ dẫn đến thích đọc sách”,  Quốc Tuấn cho hay.

Minh Hoàng cho biết thêm, khách hàng mục tiêu của dự án là thư viện ở các trường và thư viện công cộng. Dự án có ba mục tiêu chính, đó là tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng, tạo ra thương hiệu và nét đặc trưng của sản phẩm. Hiện, hai sinh viên này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh sản phẩm. Và trong tương lai không xa, phần mềm này sẽ được sử dụng rộng rãi trong các thư viện ở trường và thư viện công cộng.

H.LAN