TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Sổ đỏ bị chiếm giữ, người dân nên làm gì?

Thứ hai, 26/06/2023 20:38
*Bạn đọc hỏi: anh Ly, ở Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Ông bà nội tôi có quyền sử dụng nhà và đất ở tại Q.Sơn Trà. Trước khi mất, ông bà đã tặng cho quyền sử dụng nhà đất này cho ba tôi và đã được công chứng, đăng ký biến động sang tên ba tôi. Nhưng sau khi ông bà mất được hai năm, các cô chú đến nhà tôi yêu cầu ba tôi bán nhà đất này để chia đều cho các cô chú. Ba tôi không đồng ý, vì đây là phần ông bà để lại cho ba tôi, cũng là để thờ cúng; khi các cô chú lập gia đình, ông bà đã cho riêng từng người phần tài sản của mình để làm ăn. Lúc họp gia đình, hai bên xảy ra tranh cãi, các cô chú tôi đã chiếm đoạt sổ đỏ của gia đình tôi và nói chừng nào ba tôi chịu bán nhà chia tài sản thì mới trả lại. Cho tôi hỏi, hành vi chiếm giữ trái phép sổ đỏ có bị xử lý hình sự không? Gia đình tôi phải làm gì để lấy lại sổ đỏ?
Luật sư Phan Thụy Khanh.
Luật sư Phan Thụy Khanh.

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

1. Hành vi giữ sổ đỏ của người khác có bị xử lý hình sự không?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) là gì? Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013, thì sổ đỏ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có sổ đỏ.

Điều 105 Bộ luật dân sự quy định về tài sản như sau:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định “giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.” Các loại giấy tờ có giá được quy định tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 bao gồm:

Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác;

Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu;

Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ;

Các loại chứng khoán:

Trái phiếu doanh nghiệp.

Điều 115 Bộ luật dân sự quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”

Từ các quy định trên, có thể thấy, sổ đỏ chỉ là căn cứ để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cá nhân, tổ chức mà không phải là tài sản (vật, tiền, giấy tờ có giá). Do đó, hành vi chiếm giữ sổ đỏ của người khác không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự.

2. Phải làm gì khi bị chiếm giữ sổ đỏ trái phép?

Gia đình anh Ly có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp lại sổ đỏ với đất với lý do bị mất theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

“Điều 77. Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất

1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.

3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”

Trong trường hợp việc yêu cầu cấp lại sổ đỏ bị những người chiếm giữ ngăn cản bằng việc cho rằng nhà đất đang tranh chấp thì gia đình anh cần đề nghị cơ quan thẩm quyền (UBND phường, quận) mời bên chiếm giữ đến làm việc. Sau khi đã có biên bản giải quyết của cơ quan thẩm quyền nhưng bên chiếm giữ không trả hoặc cơ quan thẩm quyền không có cơ sở giải quyết dứt điểm, không cấp sổ đỏ mới, lúc này, gia đình anh có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết. Mặc dù như trên đã phân tích, sổ đỏ không phải là tài sản nhưng theo Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án không được từ chối yêu cầu khởi kiện đòi sổ đỏ. Cụ thể:

“Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”

Ngoài ra, trường hợp đã có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật mà bên chiếm giữ vẫn không trả lại sổ đỏ và cơ quan thi hành án không thể thu hồi được, chấp hành viên sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy sổ đỏ đó và cấp sổ đỏ mới cho gia đình anh theo quy định tại Điều 116 Luật thi hành án dân sự 2020.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425