Sở GD&ĐT Nghệ An nói về việc ra “trùng” đề thi Ngữ văn THPT
Sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vào ngày 7-6, dư luận tại Nghệ An và trên mạng xã hội xôn xao vì đề thi Ngữ văn có câu tương tự với một câu trong đề kiểm tra học kỳ II lớp 9 môn Ngữ văn tại H. Yên Thành, Nghệ An. Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, không có việc ra “trùng” đề Ngữ văn thi vào lớp 10 THPT.
Các thí sinh Nghệ An dự thi vào lớp 10. |
Theo đó, trong đề thi Ngữ văn lần này có một câu thuộc phần làm văn, dư luận cho rằng tương đối giống với đề thi khảo sát chất lượng học kỳ II lớp 9 môn Ngữ văn vừa qua tại H. Yên Thành, sẽ có lợi cho thí sinh huyện Yên Thành và làm mất tính công bằng, minh bạch cho các thí sinh khác. Tuy nhiên, đây chỉ là sự trùng hợp về mặt ngữ liệu ngẫu nhiên và không làm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong đề thi vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn ở câu cuối (câu thứ 3) bắt buộc phải chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 (câu 1, 2 không bắt buộc). Thông lệ, các huyện, thành phố, thị trấn khi ra các đề thi học kỳ, đề thi thử môn Ngữ văn thường chọn các tác phẩm đặc sắc để ra câu 3 trong đề thi. Vì vậy, đề thi tuyển sinh 10 của Sở GD&ĐT có trùng một tác phẩm (câu 3) của H. Yên Thành là việc bình thường. Hơn nữa, tác phẩm được chọn “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ hay nhất của chương trình Ngữ văn 9 và hai khổ thơ được trích dẫn là hay nhất trong bài, chứa đựng nội dung tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Vì thế, những người ra đề thường chọn đoạn ngữ liệu này.
Ông Nguyễn Văn Khoa cũng phân tích, hai đề thi trùng đoạn ngữ liệu trong một tác phẩm nhưng lệnh đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá học sinh khác nhau. Cụ thể, đề thi khảo sát học kỳ II lớp 9 của H. Yên Thành là dạng đề mở, không yêu cầu kiểu bài. Học sinh thoải mái lựa chọn kiểu bài, có thể là kiểu bài phân tích, kiểu bài chứng minh, kiểu bài biểu cảm… Còn đề của Sở GD&ĐT Nghệ An có yêu cầu cụ thể là: “Cảm nhận về ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong 2 khổ thơ.” Đề bài là cảm nhận cho nên khi học sinh lạc sang kiểu bài khác đều lạc đề. Mặt khác, đề thi của GD&ĐT Nghệ An không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức của người học mà quan trọng hơn là kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh. Trong khi đó, đề của Yên Thành lại chú trọng vào nội dung kiến thức.
Liên quan đến sự việc trên, tối ngày 8-6, Sở GD&ĐT đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, đồng thời khẳng định quy trình ra đề khách quan. Theo yêu cầu ra đề thi gồm ba phần, ở câu cuối (câu thứ 3) bắt buộc phải chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 (câu 1,2 không bắt buộc). Các giáo viên ra đề đã bốc thăm ngẫu nhiên, trúng phần nào sẽ ra đề phần đó, các giáo viên ra đề đều được cách ly theo quy định. Từ những cơ sở đó, Sở GD&ĐT khẳng định: Việc trùng ngữ liệu trong câu làm văn không ảnh hưởng đến chất lượng phân loại thí sinh. Câu trùng tác phẩm nhưng lệnh đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá khác nhau cho nên dư luận cho rằng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Sở GD&ĐT và đề thi khảo sát học kỳ của H. Yên Thành giống hệt nhau ở câu 3 là không có cơ sở. Bởi vậy sẽ không có việc tổ chức thi lại môn Ngữ văn vào lớp 10 do trùng đề thi vì công tác ra đề thi hoàn toàn khách quan.
* Cũng liên quan đến việc đề thì vào lớp 10 môn Toán tại Quảng Ngãi bị cho có nội dung giống với đề thi thử của một trường trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Đỗ Văn Phu khẳng định: “Nói đề thi môn Toán vào lớp 10 có nội dung giống với đề thi thử của một trường trên địa bàn tỉnh là chưa đúng, vì nó chỉ có một vài nội dung nhỏ tương đối giống, còn những nội dung khác cũng có trong sách Hướng dẫn ôn thi vào lớp 10 của tỉnh, tất cả học sinh đều biết”.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 12.600 thí sinh bước vào môn thi Toán của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ngay sau khi kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh phản ánh đề thi năm nay tương đối khó. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số thí sinh cho rằng, nội dung đề thi chính thức có 2 bài có nội dung giống với đề thi thử của Trường THCS Nguyễn Bá Loan (H. Mộ Đức). Cụ thể, các thí sinh cho rằng, đề thi chính thức môn Toán có 6/8 ý của 2 bài (tổng 6 điểm) gần như giống với đề thi thử của Trường THCS Nguyễn Bá Loan. Một giáo viên nhận định: “Ý 1 trong bài 2 của đề chính thức gồm hai ý giống hoàn toàn với câu 1 trong đề thi thử của Trường THCS Nguyễn Bá Loan. Bài 4 của hai đề cũng giống nhau, chỉ khác ở cách dùng câu từ diễn đạt, xáo trộn một số ý”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Phu khẳng định: “Cái này gọi là giống thì tôi cho rằng không giống, mà nó chỉ tương đối giống. Ví dụ ở bài 2 vẽ đồ thị là tất cả học sinh đều vẽ đồ thị đơn giản để lấy điểm. Ở nội dung này có thêm số vào hay không thêm số đều không quan trọng. Ý của câu này chỉ có 0,5 điểm/tổng 2,5 điểm; còn ý sau không hề giống. Ở bài 4 thì có xáo trộn giả thuyết ở ban đầu, số liệu có giống nhau, điểm có giống nhau. Nhưng tất cả cái này lại nằm trong sách ôn tập chung, học sinh trong toàn tỉnh đều biết chứ không chỉ riêng học sinh Trường THCS Nguyễn Bá Loan. Đây là trùng hợp ngẫu nhiên, không có vấn đề gì cả”. Ông Phu cũng cho rằng, không chỉ riêng môn Toán mà các môn khác cũng có thể có những nội dung trùng với ngân hàng đề hay nội dung ôn tập chung.
H.N