70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC (28-8-1945 – 28-8-2015):

Sở Nội vụ TP Đà Nẵng: Chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn

Thứ tư, 26/08/2015 10:01

(Cadn.com.vn) - 70 năm qua, song hành cùng sự phát triển không ngừng của địa phương, Ngành Tổ chức nhà nước (nay là ngành Nội vụ) TP Đà Nẵng đã không ngừng lớn mạnh cả về cơ cấu tổ chức cũng như số lượng, chất lượng cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC). Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, đội ngũ kế cận của ngành Nội vụ hôm nay ra sức giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao tính chuyên nghiệp, tận tâm với công việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình.

Trong những năm qua, nhiều CBCCVC ngành Nội vụ đã được thành phố biểu dương, tôn vinh thành tích xuất sắc. Ảnh T.L

ĐỘT PHÁ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Trong những năm qua, những khâu đột phá trong cải cách hành chính (CCHC) của Đà Nẵng thực sự đã gây được tiếng vang và ít nhiều đã trở thành hình mẫu để các địa phương khác trong cả nước học tập. Ông Võ Công Chánh – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong nhiều mô hình mới và tiến bộ về CCHC, ngành Nội vụ thành phố đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu và sớm thí điểm thực hiện. Trong 3.170 thủ tục hành chính (TTHC) được rà soát, đã có 1.278 thủ tục được thực hiện khi triển khai Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Thời gian giải quyết công việc được rút ngắn đáng kể, tiết kiệm được hàng triệu ngày công cho nhân dân. Chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao rõ rệt qua việc triển khai mô hình một cửa hiện đại tại tất cả UBND quận, huyện, 22/56 phường, xã và 21/21 sở, ban, ngành tại Trung tâm hành chính thành phố.

Cuộc vận động 3 hơn “Nhanh hơn - Hợp lý hơn - Thân thiện hơn” trong CCHC đã có 899 TTHC được thực hiện nhanh hơn với 392.649 hồ sơ hành chính, 145 TTHC được thực hiện hợp lý hơn. Tháng 9-2015, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm hành chính thành phố, được thiết kế để tiếp nhận hơn 930 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 20 sở, ban, ngành. Đây là mô hình mới về thực hiện cơ chế một cửa tập trung, liên thông, liên kết nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Việc xây dựng cơ chế liên kết, một đầu mối, công khai minh bạch 100% TTHC dưới nhiều hình thức cũng đã mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài việc tự đổi mới, CBCCVC thành phố sẵn sàng lắng nghe những phản hồi, nhận “chấm điểm và lời phê” của người dân để cải thiện chất lượng phục vụ hiệu quả hơn. Mặt khác, việc xếp hạng CCHC trong từng đơn vị, các sở ban ngành cũng kịp thời cho kết quả, uốn nắn và thậm chí là đào thải những tư duy làm việc ì ạch theo kiểu “cắp ô”, hiệu quả công việc thấp, gây phiền hà cho nhân dân. Những nỗ lực này đóng góp vào việc Đà Nẵng nhiều năm liền luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT-Index), chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số CCHC (PAR-Index).

TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN VỀ CHẤT CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Đà Nẵng được bạn bè gần xa biết đến là địa phương biết thu hút, trọng dụng tài năng và có nhiều chính sách vượt trội để nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC. Ngày mới chia tách, bộ máy chính quyền thành phố chỉ có 290 người có trình độ sau đại học thì đến nay đã có 1.622 người. Đây là kết quả của chính sách đào tạo, tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo các đề án của thành phố. Từ năm 1998 đến nay, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người theo chính sách thu hút nguồn nhân lực. Chính sách này góp phần trẻ hóa, tạo sự chuyển biến về chất cho đội ngũ CBCCVC. Với đề án 922, thành phố chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển chọn học sinh và cử tham gia đào tạo từ bậc đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước, mang đến làn gió mới trong công tác nhân sự. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố quy định về chế độ, chính sách và công tác quản lý đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010. Chính những “hạt giống” này đã được bồi dưỡng và ngày càng thể hiện vai trò kế cận gánh vác nhiệm vụ từ các thế hệ đi trước, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển của thành phố.

Năm 2006, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Sau 9 năm triển khai thực hiện đã có 48 lượt cơ quan, đơn vị thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý với với 433 ứng viên dự thi và có 136 người trúng tuyển được bổ nhiệm. Trong đó, ngoài các vị trí trưởng phó phòng chuyên môn, trưởng, phó đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố đã tổ chức thi tuyển chức danh Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH (2013), tuyển chọn để đề nghị bổ nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng (2015). Việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện qua thi tuyển nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý cán bộ đồng thời khắc phục tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khép kín trong từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở đã không ngừng đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCCVC thành phố. Các mô hình, chính sách mới về công tác cán bộ như ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa công tác quản lý dữ liệu CBCCVC; đánh giá công chức căn cứ trên kết quả làm việc gắn với vị trí việc làm; tôn vinh cán bộ, công chức xuất sắc tiêu biểu… là những bằng chứng thể hiện sự nỗ lực sáng tạo của tập thể ngành Nội vụ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.

Việc đưa vào hoạt động Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm hành chính thành phố được đánh giá là đột phá trong CCHC, hướng tới phục vụ nhiều hơn cho nhân dân. Ảnh: C.K

DẤU ẤN ĐA NGÀNH, ĐA LĨNH VỰC

Ngoài những kết quả, thành tích của các lĩnh vực truyền thống, công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, tôn giáo, văn thư lưu trữ cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiệm vụ tổ chức và quản lý trong công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được đổi mới, chặt chẽ và đi vào thực chất, quan tâm đến những người làm trực tiếp, thể hiện được mục tiêu công tác thi đua là động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở tất cả các ngành, các cấp. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn thành phố góp phần quan trọng trong việc giải quyết đúng chính sách, pháp luật các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, giữ vững ANTT, thúc đẩy sự phát triển KT-XH trên địa bàn.

Ông Võ Công Chánh tâm sự: “Một ngành Nội vụ quy củ là sự kết tinh của tinh thần đoàn kết, sự kết nối trí tuệ tập thể, tâm huyết của bao thế hệ, qua nhiều chặng đường. Nhiều danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân vừa là niềm vinh dự lớn lao nhưng cũng gắn với trọng trách của từng CBCC. Đạt được những thành tích đã khó, nhưng giữ được nó còn khó hơn. Vì vậy cả bộ máy của Sở Nội vụ phải vận hành, sáng tạo không ngừng nghỉ. Hiệu quả trong công tác tham mưu cho chính quyền thành phố cũng như phục vụ tốt nhất cho nhân dân mới là phần thưởng, là danh hiệu cao quý nhất”. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, vì tính đa ngành, đa lĩnh vực nên ngành Nội vụ cũng chịu nhiều áp lực của thực tiễn cuộc sống, yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển thành phố. Phương châm “Chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn” đã trở thành động lực để toàn ngành nỗ lực tiếp tục phát huy những giá trị, tâm huyết của bao lớp thế hệ cán bộ, công chức ngành Nội vụ, tham mưu hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách, giải pháp đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng TP Đà Nẵng. Đó cũng là cách để Sở Nội vụ khẳng định giá trị riêng của mình, góp phần nâng cao thương hiệu chung của TP Đà Nẵng.

Bảo Nam