Số phận liên minh Mỹ - Hàn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim

Thứ bảy, 23/02/2019 10:18

Trong khi Tổng thống Donald Trump tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị vào tuần tới tại Việt Nam, nhiều người ở Seoul đang tự hỏi liệu số phận của liên minh quân sự kéo dài hàng thập kỷ giữa Washington với Hàn Quốc có thể bị chết yểu hay không.

Chiếc áo với hình ảnh ông Trump và ông Kim được chào bán tại Hà Nội trước thềm hội nghị thượng đỉnh.    Ảnh: Reuters

Quá nhiều lo ngại

Hầu hết mối lo này có liên quan đến những khẳng định lặp đi lặp lại của Tổng thống Trump rằng, việc triển khai quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc là quá tốn kém. Các chính sách tự do và hòa giải với Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mà các nhà phê bình chỉ trích sẽ gây tác hại đến liên minh với Washington càng khiến mối lo gia tăng.

Nhưng thực tế hơn cả là việc ông chủ Nhà Trắng bất ngờ đình chỉ một số cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước - bao gồm cả cuộc tập trận mùa hè lớn - như một sự nhượng bộ đối với ông Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào năm 2018. Hồi đầu tháng này, Hàn-Mỹ hoãn thông báo kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung vào mùa Xuân cho đến khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tất nhiên, nếu hai nước đồng minh này thúc đẩy các chương trình huấn luyện hàng năm của mình thì công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có thể sẽ bị ảnh hưởng, bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn xem các cuộc tập trận này là hành động gây hấn chiến tranh.

Ngoài ra, cũng có khả năng các nhà lãnh đạo Mỹ, Triều sẽ đạt được thỏa thuận hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc tập trận này trong cuộc gặp thượng đỉnh nói trên.

Số phận 28.500 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc

Mối quan hệ liên minh rộng lớn Mỹ-Hàn, được củng cố trong cuộc chiến đổ máu ở bán đảo Triều Tiên 1950-1953, sẽ không được đưa ra thảo luận trên bàn đàm phán hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội sắp tới. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng, tương lai lâu dài của nó có thể bị ảnh hưởng và cuối cùng Tổng thống Trump có thể rút hầu hết trong số 28.500 binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc.

“Liên minh Hàn-Mỹ hiện đang bị bệnh nặng”, ông Kim Kimewewoo, cựu Viện trưởng Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết trong một bài phát biểu gần đây. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã trấn an, mọi việc đều ổn. Hai bên vừa đạt được thỏa thuận về vấn đề gai góc - chia sẻ chi phí quốc phòng - sau 10 vòng đàm phán trong năm 2018. Theo đó, Seoul sẽ tăng mức đóng góp lên hơn 1.000 tỷ won (890 triệu USD) vào năm 2019. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ chỉ kéo dài một năm, sau đó hai bên sẽ tiến hành đàm phán lại. Mỹ ban đầu yêu cầu Hàn Quốc chi ít nhất 1 tỷ USD mỗi năm, trong khi Seoul muốn một thỏa thuận có hiệu lực trong 3-5 năm. Theo thỏa thuận ký năm 2014, Hàn Quốc đã trả khoảng 960 tỷ won cho hoạt động của 28.500 quân Mỹ đang đồn trú tại nước này nhưng thỏa thuận trên đã hết hạn từ cuối năm 2018.

Sau khi đồng ý tăng đóng góp chi phí quân sự của Mỹ trong năm nay, Hàn Quốc cho biết, Washington khẳng định họ không có kế hoạch điều chỉnh quy mô hiện diện quân đội ở đây. Trong cuộc điện đàm điện thoại với Tổng thống Moon Jae-in hôm 20-2, ông Trump cũng nói rằng, quan hệ hai nước đang tốt đẹp hơn bao giờ hết.

Hồi đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố không có kế hoạch rút quân, dù trước đây ông đã đe dọa sẽ làm như vậy nếu Hàn Quốc từ chối trả thêm tiền. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ông Trump cũng nói với các phóng viên: “Tôi muốn đưa những người lính của chúng tôi (ở Hàn Quốc) về nước”. Lầu Năm Góc cũng không lên kế hoạch cho bất kỳ việc cắt giảm lực lượng quân đội nào, nhưng một số lãnh đạo cơ quan này cho biết, họ sẽ không ngạc nhiên nếu Tổng thống Trump đặt vấn đề này lên bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội sắp tới.

KHẢ ANH