Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ sáu, 27/04/2018 11:01

Các câu hỏi về số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa thể được giải đáp ngay cả sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến thăm đến Mỹ, nơi ông có cuộc hội đàm với người đồng cấp Donald Trump với mục tiêu chủ yếu là cứu vãn thỏa thuận này.

Tất cả các nước Châu Âu đều muốn Mỹ duy trì thỏa thuận đó. Bản thân ông Trump lại luôn đe dọa hủy bỏ nó, nhưng dường như cũng hiểu rõ hơn về những rủi ro nếu ông vô hiệu hóa thỏa thuận này. Điều đó cho thấy, thỏa thuận Iran là một thách thức rất quan trọng. Câu hỏi lớn nhất là liệu thỏa thuận hiện tại có thể tiếp tục được sống sót hay không. Tất nhiên, Tổng thống Trump xem ra cũng có những thay đổi trong suốt chuyến thăm của ông Macron nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn nghiêng về khả năng xé bỏ nó.

Từ khi bắt đầu thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Trump liên tục gọi đó là một “thỏa thuận tồi tệ” và “điên rồ” nhất trong lịch sử mà Mỹ đã tham gia ký kết. Và khi lên nắm quyền, thỏa thuận này như cái gai trong mắt ông Trump. Lo ngại càng tăng khi bản thân Tổng thống Macron hôm 26-4 cũng có tuyên bố bi quan về tương lai của thỏa thuận lịch sử này. Nhà lãnh đạo Pháp nói rằng, Mỹ có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vì những lý do chính trị trong nước.

Theo thỏa thuận ký ngày 14-7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Mỹ đặt ra với các nước Châu Âu để bổ sung những điều khoản mới cho JCPOA, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ quan ngại của Washington bằng các hoạt động cụ thể của Tehran.

Tất nhiên, Iran không ngồi yên. Họ luôn bác bỏ mọi khả năng thay đổi thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ phá vỡ thỏa thuận này. Trong tuần này, một quan chức an ninh cấp cao của Iran cho biết, nước này sẽ xem xét rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) nếu Mỹ xé bỏ JCPOA. Và thực tế là, ngoài Mỹ, các nước còn lại trong nhóm cường quốc đã ký kết với Iran cũng nhấn mạnh không thể đàm phán lại thỏa thuận này. Hiện các nước EU đang nỗ lực thuyết phục chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

THANH VĂN