Số vụ vi phạm trên lĩnh vực khai thác tài nguyên, an toàn thực phẩm được phát hiện tăng cao

Thứ ba, 11/01/2022 14:32

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 tổ chức vào chiều 10-1, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an cho biết, số vụ việc vi phạm được phát hiện thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên và đa dạng sinh học cũng như lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm tăng lần lượt 9,5% và 10,8% so với một năm trước đó.

Cảnh sát Môi trường  Công an TP Đà Nẵng lập biên bản xử lý một cơ sở spa vượt rào phẫu thuật thẩm mỹ trái quy định.

Trong năm 2021, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cảnh sát Môi trường) đã tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát Môi trường tập trung vào các vụ việc lớn, có dấu hiệu hình sự hoặc có mức xử phạt cao. Các vụ việc khác chuyển cho Cảnh sát Môi trường địa phương xử lý. Cụ thể, toàn lực lượng của cả nước đã kiểm tra, phát hiện 27.152 vụ/28.408 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố, đề nghị khởi tố 371 vụ, 472 đối tượng; xử phạt, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 23.949 vụ/3.099 tổ chức, 21.941 cá nhân với tổng số tiền 356,89 tỷ đồng. Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã phát hiện 10.284 vụ vi phạm, giảm 3,6% so với năm 2020; lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên và đa dạng sinh học đã phát hiện 7.154 vụ vi phạm, tăng 9,5%; lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm: phát hiện 9.714 vụ vi phạm, tăng 10,8%.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ tưởng Bộ Công an đánh giá cao việc đổi mới phương pháp, công tác nghiệp vụ cơ bản và đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường của Cảnh sát Môi trường cả nước. Số vụ việc, tổ chức, cá nhân bị xử lý tăng lên, đặc biệt lần đầu tiên Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường ký quyết định khỏi tố 3 vụ, các tỉnh thành khởi tố 25 vụ thể hiện vai trò tư lệnh, sự quyết liệt, không khoan nhượng với các loại tội phạm trên lĩnh vực này. Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, việc nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình công tác cũng thể hiện sự cầu thị của lực lượng Cảnh sát Môi trường từ cấp Cục tới các địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những tồn tại này cần được chỉ rõ ở đơn vị nào, cá nhân nào, vụ việc cụ thể nào để tránh chung chung, cào bằng. Đó cũng là điều cần thiết, là động lực để toàn lực lượng ngày càng chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực được giao.

Đông A