Sớm gỡ bỏ những bất cập trong vận tải đường bộ
Nhiều quy định về vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông trong Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện đang bộc lộ những bất cập, không theo kịp sự phát triển. Việc nhanh chóng tìm ra giải pháp để bổ sung là yêu cầu cần thiết. Đó cũng là nội dung được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải toàn quốc tại Đà Nẵng ngày 17-11.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu một số bất cập cần các đại biểu trao đổi. |
Cấp biển vàng, bỏ phù hiệu
Nhiều ý kiến cho rằng tất cả các phương tiện vận tải kinh doanh từ taxi, xe hợp đồng, xe chở khách tuyến cố định, xe chở hàng hóa... đều cấp biển số 1 màu, có thể màu vàng như một số nước. Làm được như vậy, nhìn vào ai cũng biết, công tác quản lý cũng dễ dàng hơn, thay vì phải theo nhóm, theo nhiều loại hình rất phức tạp như hiện nay. Mặt khác, nếu các xe kinh doanh biển số 1 màu thì cũng hủy bỏ các loại lô-gô, phù hiệu, vì nó rườm rà, gây lãng phí, nhiêu khê cho xã hội. Nói như Thứ trưởng Lê Đình Thọ: “Tôi đi nhiều xe thấy dán đủ phù hiệu, chữ ký, chóng cả mặt”. Do đó, bỏ lô-gô, phù hiệu, giảm bớt loại hình vận tải, cứ xe kinh doanh thì cấp biển số một màu sẽ dễ dàng nhận biết, quản lý. Đơn cử Grab hay Uber, bản chất cũng là taxi, đưa vào một loại hình quản lý như taxi. Ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng nói, Grab, Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải thể hiện qua việc họ tuyển lái xe, đa giá cước, chế độ doanh thu, vì thế phải quản lý họ như taxi. Câu chuyện của Grab, Uber chỉ là áp dụng công nghệ vào kinh doanh vận tải, thế thì không thể coi họ là một loại hình khác taxi được. Theo ông Nhân, trong Luật Giao thông đường bộ mới cũng phải xem xét kỹ vai trò các hợp tác xã vận tải, nhiều xe chạy Grab, Uber vào hợp tác xã coi đó như bình phong. Như ở Đà Nẵng chỉ cấp cho 800 xe nhưng thực tế có tới 3.000 xe hoạt động. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dần- Phó Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho rằng, phải quản lý Grab, Uber như taxi, vì bản chất nó là taxi, chỉ khác ở hình thức khai thác là ứng dụng CNTT. “DN vận tải là tập thể thì quản lý, còn cá thể như Grab, Uber thì thả, vì thế mới tạo mớ bòng bong, chúng ta vỡ trận” - ông Dần nói.
Dự án BOT về giao thông phải là những tuyến đường mới
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, từ năm 2018, quan điểm của ngành giao thông sẽ dùng tiền để giữ đường hiện có, đảm bảo an toàn giao thông chứ không huy động nguồn lực bên ngoài để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đã có. Tất cả các dự án BOT về giao thông phải là những tuyến đường mới. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng vẫn nên tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để triển khai các dự án giao thông. Đến nay, ngành giao thông đã huy động được 210 ngàn tỷ đồng ngoài ngân sách tham gia phát triển hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, nói nguồn lực địa phương không đủ để phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội do đó việc huy động nguồn lực bên ngoài vẫn phải được đưa vào cụ thể trong luật. Riêng hệ thống đường cao tốc, hiện có khoảng 743km đã được đưa vào khai thác. Ông Dần cho rằng đường cao tốc cũng chỉ là một cấp đường, không thể đưa riêng ra quy định trong Luật Đầu tư công được mà cần phải đưa vào Luật Giao thông đường bộ để có hành lang quản lý chặt chẽ hơn. Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói, ở Trung Quốc quy trình quản lý đường cao tốc rất minh bạch, trong khi ở mình có cả một Cục mà quản lý vẫn luống cuống. Tương tự thế, họ có máy quét rà toàn bộ tuyến đường, soi từng ổ gà đưa về cho một bộ phận ngồi phân tích, lập kế hoạch khắc phục ngay còn mình thì Ban quản lý này nọ, rồi cử đoàn này, đoàn kia xuống tận nơi kiểm tra mãi chưa khắc phục xong.
Cá bé đè cá lớn
Nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý vận tải đường bộ hiện tồn tại nhiều bất cập, thiếu công bằng và “bóp chết” các DN chân chính. Đại diện DN vận tải hành khách Hoàng Hà cho biết, nhất thiết trong điều kiện kinh doanh vận tải phải quy định năng lực DN. Không thể 1 xe khách vào hợp tác xã chồng lái, vợ phụ, bắt khách không theo quy củ, giá nào cũng chạy... thành thử lại đè chết DN chân chính, đầu tư bài bản hàng trăm đầu xe. Sắp tới xe khách chạy tuyến cố định sẽ chuyển sang xe buýt đường dài, tuy nhiên lại không có điểm dừng đỗ dọc tuyến. Khi làm các dự án giao thông không tính tới xây các điểm dừng đỗ dọc đường. Trong khi, xe khách vận tải tuyến cố định sống được đến ngày nay là nhờ bắt khách dọc đường. “Bây giờ vì không có điểm dừng đỗ, đón khách nên dừng đỗ sai quy định, bị xử phạt 1,5 triệu đồng, bị tước giấy phép 2 tháng. DN bỏ tiền đầu tư mỗi đầu xe đã phải gánh bao nhiêu chi phí mà cứ thế thì chỉ chết đói” - lãnh đạo DN Hoàng Hà chia sẻ. Từ thực tế đó, các DN vận tải cho rằng, trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhất định phải quy định có các điểm dừng đỗ, đón khách khi xe khách tuyến cố định chuyển sang xe buýt đường dài.
Nhiều xe khách chạy tuyến cố định sắp chuyển thành xe buýt đường dài |
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 8.700 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh với hơn 1.200 DN, hơn 19.000 xe. Theo đánh giá của bà Hiền, chất lượng vận tải chưa đồng đều, thị trường vận tải mới đang từng bước được minh bạch, trong khi cán bộ quản lý vận tải còn thiếu, chuyên môn chưa phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý lái xe vận tải hành khách còn lỏng lẻo, là nguyên nhân dẫn đến chất lượng vận tải chưa cao và gây ra một số vụ tai nạn. Do đó, trong điều kiện để kinh doanh vận tải, nhất định phải quy định điều kiện về đảm bảo ATGT yêu cầu DN phải đáp ứng đủ mới được cấp phép. Trong điều kiện đảm bảo ATGT gồm điều kiện lái xe, điều kiện kỹ thuật...
Theo thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, các kiến nghị của đại diện các sở, hiệp hội, DN sẽ được Bộ ghi nhận, tổng hợp để báo cáo cấp trên bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ mới cho phù hợp. Tinh thần là sẽ phải tìm một mô hình mới phù hợp, thúc đẩy ứng dụng KHCN trong quản lý giao thông, tạo điều kiện thông thoáng nhất để DN phát triển, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng kết cấu đường bộ.
HẢI HẬU