Sớm gỡ vướng về quy hoạch và đất đai, khơi thông dòng chảy FDI

Thứ tư, 26/07/2023 08:57
Nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, các nguồn lực chưa được khơi thông hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm... đã khiến cuộc đua thu hút vốn FDI của Đà Nẵng bị các địa phương khác bỏ lại phía sau.
Khu đất Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt kêu gọi đầu tư trung tâm tài chính Đà Nẵng, có nhà đầu tư quan tâm nhưng hiện vẫn chờ cơ chế chính sách.
Đà Nẵng đang thực hiện 9 quy hoạch phân khu đô thị nên nhiều khu đất đầu tư dự án cũng đang chờ.

Hụt hơi!

Cùng chung tác động bối cảnh hậu đại dịch, song các địa phương miền Trung thu hút vốn FDI rất tốt, riêng Đà Nẵng lại thấp và bị bỏ lại phía sau. Trong 6 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng chỉ thu hút được 27,3 triệu USD (trong đó cấp mới 64 dự án, tổng vốn đăng ký 10,6 triệu USD, đạt hơn 46% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỷ lệ cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm 10% về số doanh nghiệp và giảm 32% về vốn; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 15% so với cùng kỳ. Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Kinh tế -Ngân sách HĐND TP cho biết, việc khơi thông các nguồn lực cần thiết, như nguồn lực nhà nước (trách nhiệm cán bộ công chức, đầu tư công, khai thác tài sản công…); nguồn lực xã hội, doanh nghiệp (về tài chính, nhân lực, vật lực, khoa học công nghệ…) hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn chưa có kết quả rõ nét. Trong khi đó, chỉ sống năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố bị giảm sút xuống vị trí thứ 9, trong đó một số thành phần tụt giảm sâu như chỉ số tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số đào tạo lao động… Điều này phần nào phản ánh những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế của thành phố chưa được tháo gỡ hiệu quả, các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư, dự án, quy hoạch, xây dựng, đất đai… vẫn còn nhiều bất bập.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, thu hút đầu tư được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chủ đề năm 2023 của thành phố. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm thấp, các dự án cấp mới đều quy mô nhỏ lẻ do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, từ sau Covid-19, đầu tư toàn cầu bị suy giảm mạnh, kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… càng khiến dòng đầu tư thêm "ngập ngừng". Tâm lý nhà đầu tư là hạn chế đầu tư mới để hạn chế rủi ro, bảo toàn vốn, do đó hoạt động đầu tư FDI chủ yếu tập trung cho việc khôi phục hoạt động các dự án đang tạm dừng.

Với Đà Nẵng, tính sẵn sàng về cơ chế chính sách, quy hoạch, đất đai chưa đạt yêu cầu trong tình hình thu hút đầu tư quy mô lớn. Hiện các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư phải thực hiện xây dựng Đề án, xin cơ chế chính sách, bổ sung quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế thiên về phát triển dịch vụ trong thời gian dài nên các nhà đầu tư nước ngoài đến chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ và bất động sản chiếm tỷ trọng cao. Việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế để kêu gọi thu hút FDI trên lĩnh vực sản xuất cần có độ trễ về thời gian để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, vật chất và nhân lực. Đà Nẵng hướng tới xây dựng thành phố môi trường, thành phố thông minh và thực hiện phát triển công nghiệp, công nghệ cao nên việc kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần có sự chọn lọc kỹ về công nghệ, xem xét kỹ quy mô và tác động môi trường, với phương châm chậm, chắc, bền vững và lan tỏa cho thế hệ sau.

Khu đất Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt kêu gọi đầu tư trung tâm tài chính Đà Nẵng, có nhà đầu tư quan tâm nhưng hiện vẫn chờ cơ chế chính sách.

Nhiều dự án lớn đang… vướng!

Cũng theo bà Tâm, công tác xây dựng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch của Đà Nẵng hiện còn chậm (các dự án đều chờ quy hoạch phân khu đô thị), trong khi tiến độ phát triển hạ tầng, kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp mới cũng chậm. Chưa kể, các kết luận thanh tra, kiểm tra về các vụ việc phức tạp, kéo dài từ nhiệm kỳ trước và tình hình chung hiện nay đã tác động đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, làm giảm sự năng động, sáng tạo và gia tăng thái độ e ngại, dè chừng trong công tác tham mưu; tình trạng cán bộ, công chức còn máy móc, chưa nhất quán trong việc hướng dẫn thủ tục đầu tư. Những lý do này đã tác động, khiến kết quả thu hút đầu tư bị ảnh hưởng.

Việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án ngoài khu công nghiệp đòi hỏi quỹ đất sạch đủ lớn, đảm bảo pháp lý. Tuy nhiên, việc triển khai các quy trình để tiến đến đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án hiện còn chậm. Một số khu đất sạch theo mục tiêu đề ra để đấu giá thu hút đầu tư so với kế hoạch ban hành chưa hoàn thành. Bà Tâm chia sẻ, có nhà đầu tư lớn, có thương hiệu trên thế giới quan tâm từ năm 2020 cho đến nay vẫn chưa triển khai xong việc đấu giá (kéo dài do liên quan đến hoàn thiện, khớp nối công tác quy hoạch từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết - quy trình phải thực hiện tuần tự như tiến từ bước lập nhiệm vụ, lập, phê duyệt đồ án quy hoạch; chậm, thiếu trách nhiệm trong công tác phối hợp của các ngành khi lấy ý kiến về tham gia quy hoạch để khi phê duyệt rồi lại hiệu đính, điều chỉnh; có nhiều nội dung phải xin chủ trương đi, chủ trương lại, giải trình nhiều lần và phải hỏi các bộ ngành trung ương hướng dẫn và có văn bản mới dám thực hiện).

Rõ ràng, để tăng thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn FDI thì những vướng mắc trong đấu giá đất phải được tháo gỡ, đẩy nhanh. Trong thực tế, hiện có nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến các khu đất lớn ở Đà Nẵng để đầu tư, như khu thể thao, giải trí và thương mại Hòa Xuân; Khu đất thương mại dịch vụ phía Đông Nam ký túc xá sinh viên. Nếu đến cuối năm 2023 hoàn thành công tác đấu giá và nhà đầu tư nước ngoài tham gia, dự kiến sẽ thu hút được trên 200 triệu USD.

HẢI QUỲNH