Sớm khoanh “vùng xanh” cho các khu công nghiệp

Thứ tư, 25/08/2021 12:53

Phần lớn lao động trong các KCN Đà Nẵng đã được tiêm văc xin, thực hiện xét nghiệm hàng tuần, sản xuất “ba tại chỗ”, qui định phòng chống dịch nghiêm ngặt, vì thế phải coi đây là “vùng xanh” an toàn để khôi phục sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép”.



Gần 400 công nhân UAC đang sản xuất ‘ba tại chỗ’.

Sau 10 ngày phải sản xuất “3 tại chỗ” tối đa 30% nhân lực, hàng trăm nhà máy trong các KCN sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp này sau ngày 26-8.

Ông Hà Ngọc Thống- Giám đốc Công ty Á Châu có 2 nhà máy sản xuất với 330 công nhân trong KCN Hòa Khánh cho biết, đơn vị sẽ không thực hiện đổi ca công nhân “ba tại chỗ” sau ngày 26-8 khi TP tiếp tục giải pháp chống dịch “ai ở đâu ở yên đó”. Lý do vì việc đổi ca sẽ không kiểm soát được nguồn vào nhà máy, nên cần giữ vững lực lượng tại chỗ để đảm bảo sản xuất an toàn. Ông Thống cho biết, đơn vị có đội ngũ hậu cần tốt, huy động nguồn thực phẩm cung ứng cho công nhân “ba tại chỗ” đảm bảo từ các khách hàng lớn như Coop.mart, Mega, thậm chí huy động nguồn thực phẩm từ Huế, Quảng Nam.

Hiện có 137 doanh nghiệp thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” trong các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay theo ông Thống là nguyên liệu đầu vào để sản xuất. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu qua cảng biển thì ổn định, nguồn từ các địa phương khác về bị hạn chế nhưng vẫn có, còn nguồn thu mua trong TP thì bị đóng cứng. “TP siết chặt giãn cách có khó khăn nhưng phải chịu đựng, bởi vì mục đích để tách F0 ra khỏi cộng đồng, điều này rất cần thiết. Mong TP làm đàng hoàng để tách được F0, đừng để người ta hi sinh thời gian chịu khổ mà không đạt được mục tiêu”- ông Thống chia sẻ.

Đến hết tháng 8-2021 sẽ có khoảng 62% công nhân trong các KCN và khu CNC Đà Nẵng được tiêm văc xin.

Ông Võ Văn Phước- đại diện nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, hiện gần 400 nhân lực của nhà máy đang làm việc “3 tại chỗ”. Trước thông tin TP sẽ tiếp tục duy trì giải pháp “ai ở đâu ở yên đó” sau ngày 26-8, nhà máy đang cho lập danh sách tổng hợp số lượng công nhân cần đổi ca. “Chúng tôi mong TP sớm có thông báo chính thức để nhà máy thực hiện các thủ tục, tổ chức đổi ca, bố trí tổ kíp sản xuất, bố trí xe đưa đón công nhân”- ông Phước nói.

Hiện nay nguyên liệu nhập khẩu để xản xuất từ cả Tiên Sa của các nhà máy đảm bảo.

Cũng theo ông Phước, sản xuất “ba tại chỗ” có những khó khăn phát sinh, nhưng khó đến đâu, gỡ đến đó, trong bối cảnh hiện nay cần đồng hành với TP chống dịch. Tuy vậy, đại diện UAC đề nghị TP hỗ trợ cho xe chở nguyên liệu phụ kiện từ các kho nằm rải rác trong TP về nhà máy sản xuất. Hiện tại nguyên liệu đầu vào để sản xuất từ các container qua cảng Tiên Sa thì đảm bảo, nhưng nguyên liệu phụ kiện như bulon, ốc vít…ở trong các kho trong TP thì không thể cho xe tới lấy được. “Có nguyên liệu chính mà không có phụ kiện thì làm nửa chừng phải dừng lại, không hoàn thiện sản phẩm được”- Ông Phước nói.

Tuy nhiên nguồn nguyên liệu nhập từ các tỉnh khác, nguồn phụ kiện sản xuất tại các kho trong TP không thể chở về nhà máy.

Các doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, như UAC là đơn vị xuất khẩu theo đơn hàng, nếu cứ làm vài đợt giãn cách, không được hoạt động hết công suất, không đảm bảo đơn hàng cung cấp theo cam kết sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế, ông Phước kiến nghị TP cần có giải pháp khoanh “vùng xanh” cho các KCN, khu CNC. Đơn cử đặc thù địa lý khu CNC xung quanh đồi núi, tách biệt với các khu dân cư, hơn nữa nhiều nhà máy như UAC đã tiêm văc xin gần hết, tuần nào cũng test covid-19 cho công nhân có kết quả âm tính, lại sản xuất “ba tại chỗ”, phòng dịch nghiêm ngặt. Rõ ràng, TP cần giải pháp đảm bảo, khả thi để các nhà máy yên tâm sản xuất, duy trì hoạt động kinh tế.

Hiện tại có 137 doanh nghiệp trong khu CNC và các KCN Đà Nẵng đang thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” với hơn 11,6 ngàn lao động đăng ký. TP cũng đã tổ chức nhiều đợt tiêm văc xin cho công nhân, kế hoạch đến hết tháng 8-2021, sẽ có 62% lao động trong các KCN được tiêm văc xin, trong đó khu CNC và 4 KCN khác sẽ có 100% lao động được tiêm văc xin mũi 1.

Từ thực tế đó, việc sớm khoanh “vùng xanh” an toàn cho các KCN, khu CNC để duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế là cần kíp.

HẢI QUỲNH