Sớm mai ở Hòa Bắc

Thứ tư, 17/03/2021 14:46

Thức giấc trong tiếng gà gáy tinh sương, trong tiết trời se  lạnh và nhìn qua ô cửa gỗ xinh xắn, du khách sẽ thấy mây giăng mờ lưng chừng núi, những cánh hồng e ấp, tinh khôi trong vườn. Sớm mai ở Hòa Bắc yên bình và thư thái đến lạ.

 Chủ của homestay Alăng Như duy nhất ở thôn Giàn Bí chia sẻ về quá trình làm du lịch cộng đồng.  

Đà Nẵng không chỉ có biển xanh cát trắng mà còn có cảnh sắc núi rừng cuốn hút với văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào người Cơ Tu phía Tây Bắc huyện Hòa Vang. Chỉ với 40 km từ trung tâm Đà Nẵng, du khách đã có thể "đổi gió" tìm cho mình một không gian du lịch sinh thái yên bình, trải nghiệm văn hóa bản địa hấp dẫn, bỏ xa cái ồn ào náo nhiệt của phố thị. Hòa Bắc là phần đệm giữa Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, hình thành nên từ các dãy núi cao cùng sông suối, ghềnh thác. Nơi đây rừng núi hòa quyện sông suối, mây trời tạo nên phong cảnh làm mê mẩn lòng người.

Không chỉ du khách phương xa, nhiều gia đình ở Đà Nẵng cũng có nhu cầu tìm một không gian đẹp, bình yên để tận hưởng cảm giác thư thái dịp cuối tuần. Suối đá dưới chân cầu Tà Lang ở Hòa Bắc là một điểm dừng chân thú vị. Một số gia đình đã tìm đến cắm trại, tận hưởng chuyến du lịch "bụi" trong ngày. Ven suối, cư dân địa phương cũng dựng lên vài lều tre đơn sơ, trực tiếp nấu các món ăn bản địa hấp dẫn phục vụ du khách. Nào là thịt nướng ống tre, ốc suối, cơm lam, rau dớn, lá mì xào...Dưới dòng suối mát lạnh, giữa những dãy núi xanh thẳm, làn khói bếp hun lên, lan tỏa vào không gian của mây trời mang đến cho du khách một cảm giác yên bình khó tả. Trong không gian ấy, khách chỉ muốn hít một hơi thở thật sâu, như thu cả đất trời vào lồng ngực, để tìm cảm giác thư thái, để quên đi tất bật, ngược xuôi của cuộc sống thường nhật. 

Du khách ngắm cảnh thiên nhiên Hòa Bắc.

Đêm xuống, ở thôn Giàn Bí của Hòa Bắc chỉ có một điểm lưu trú, ấy là homestay Alăng Như. Homestay được thiết kế theo kiểu nhà sàn, phòng ngủ chung với giường riêng cho khoảng 30 người, sạch sẽ, thoáng mát. Những bụi hoa đơn sơ, những khóm tre cao xanh, một khoảng sân cỏ rộng lớn làm nơi đốt lửa trại, múa hát. Homestay quay mặt ra bờ suối trong xanh bên vách núi sừng sững. Càng về đêm, không khí càng lạnh, đó cũng là lúc lửa trại được đốt lên, du khách thỏa sức hát múa. Nếu khách có nhu cầu, chủ homstay sẽ mời đội văn nghệ chuyên nghiệp của làng đến biểu diễn trống, chiêng, các điệu múa truyền thống bản địa. Một không gian văn hóa đặc sắc được "thắp" lên quanh lửa trại, giữa núi rừng bạt ngàn.

Nhưng có lẽ, không gian sớm mai ở Hòa Bắc mới thật đặc biệt. Cái yên bình, mát lạnh của núi rừng làm lòng người trở nên nhẹ nhàng, khoáng đạt và chan chứa yêu thương. Chủ homestay, anh Đinh Văn Như là người Cơ Tu bản địa rất cởi mở và chân tình. Anh Như bảo, đây là thôn miền núi xa xôi nhất của Đà Nẵng, cuộc sống người dân còn khó khăn, tuyến đường huyết mạch về thôn thì đang sửa ngổn ngang, du khách không đủ tình yêu và kiên nhẫn sẽ không về đến Giàn Bí. Cũng theo anh Như, vài năm trước sau khi được địa phương cho đi tham quan mô hình du lịch cộng đồng ở Hòa Bình, thấy người dân ở đó làm giàu ngay chính bản làng của mình, anh cũng nung nấu quyết tâm làm du lịch cộng đồng tại Tà Lang. "Cắm" mảnh đất mấy ngàn mét vuông của gia đình, anh Như vay ngân hàng được 400 triệu đồng, cùng với hơn 200 triệu đồng của gia đình bắt tay làm homestay. Nhưng vừa làm xong thì đợt dịch Covid-19 vắng khách, rồi đợt mưa bão cuối năm rồi phải đầu tư, sửa chữa nhiều, thành thử đến nay thu mới đủ bù chi chứ chưa có lãi. Từ khi vận hành mới có 700 lượt khách đến tham quan và 200 lượt khách lưu trú. Theo anh Như, làm du lịch cộng đồng thì cả làng phải làm, cùng hỗ trợ nhau, tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, mang đậm dấu ấn bản địa. Tuy nhiên ở đây hiện mới có 1 cơ sở lưu trú, đường đi lên đang sửa chữa, rất khó đi, chưa kể việc truyền thông quảng bá chưa tốt, khách chưa biết nhiều về Hòa Bắc. "Có đoàn khách đăng ký lên ở, mình bỏ 2 triệu đồng mua thực phẩm để chuẩn bị bữa tiệc cho đoàn, nhưng đi nửa đường họ gọi điện bảo đường khó đi quá, quay về thành phố rồi"- anh Như kể.

Người dân bản địa nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách.

Theo lãnh đạo huyện Hòa Vang, dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Cơ Tu tại Hòa Bắc đã được triển khai từ 4 năm trước. Địa phương đã cho người dân đi học tập mô hình nhiều nơi, phối hợp với các hãng lữ hành khảo sát tour tuyến có tiềm năng để kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái. Hiện nay tại Hòa Bắc đã thành lập các tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng như trekking, dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, văn nghệ... Các sản phẩm du lịch cộng đồng đã hình thành tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí gồm ẩm thực truyền thống, show diễn cồng chiêng-văn nghệ, trekking và tắm suối. Ngoài ra, tại đây cũng có các sản phẩm lưu niệm đã có nhãn mác như mật ong rừng, chè dây, thổ cẩm.

Du lịch sinh thái trải nghiệm đang là xu hướng và Hòa Bắc có nhiều lợi thế hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở đây mới manh nha, còn đơn điệu, cần được tổ chức bài bản mới khai thác hết tiềm năng, đồng thời sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc cho Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH