“Sống bụi” phiêu lưu ký

Thứ tư, 11/03/2015 12:10

* Bài 1: Muôn nẻo “sống bụi”

(Cadn.com.vn) - Gia đình cấm đoán chuyện yêu đương, không cho tiền theo chúng bạn ăn chơi đua đòi - họ bỏ nhà đi; quen, hợp nhau qua mạng chát, bố mẹ lục đục chuyện riêng tư, bỏ bê con cái - họ từ bỏ quê lang thang tứ xứ... Tất cả đều được gọi chung là “đi bụi”, “sống bụi”... và nó được một bộ phận giới trẻ coi như “mốt”. Tất nhiên, phía sau những cái tặc lưỡi, suy nghĩ nông cạn nhất thời ấy đã và đang mang đến nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội. Vào vai kẻ “dặt dẹo” qua nhiều ngóc ngách Đà thành, chúng tôi thâm nhập giới... “bụi” mà thấy xót xa.

Thực tế, hễ nghe đến cụm từ “đi bụi”, “sống bụi”, mọi người đều hiểu theo nghĩa chẳng hay ho, tốt đẹp gì. Bởi, với mọi người, đó là lối sống bê tha, sa ngã. Lứa tuổi thường “đi bụi”, “sống bụi” thì có nhiều, song phần lớn đều ở độ tuổi 15, đôi mươi. Họ quen nhau qua mạng có, vô tình gặp ngoài xã hội cũng nhiều, thấy có “duyên” với nhau là kết nghĩa “huynh đệ”, cùng nhau sống “dặt dẹo” khắp nơi.

Kết nhau qua mạng, Tr. và Gi. bỏ nhà, tới Đà Nẵng “sống bụi”.

Tôi vô tình nghe được câu chuyện “sống bụi” của “cặp đôi” (sau này biết là Tr. và Gi., cùng tuổi 19) tại một quán cà-phê đường Núi Thành. Thoạt đầu, câu chuyện của họ chẳng thể hiện nhiều về cuộc sống của cánh “đi bụi” tôi đang tìm hiểu. Chỉ đến khi Tr. hỏi “từ khi bỏ nhà đi, cậu có tính chuyện sẽ về nhà một lần không?”, Gi. trả lời “chắc là chưa. Có về cũng chẳng xin đi học lại được, mà không chừng bị ông, bà (bố, mẹ) phang cho một trận nhừ tử. Cứ từ từ rồi tính”, tôi mới  chắc tới 99% họ là dân “sống bụi”. Tôi cầm ly cà-phê bước qua bàn 2 người, bắt chuyện: Xin lỗi, hai đứa cũng chung cảnh sống lang bạt kỳ hồ à? Anh em mình giống nhau rồi. Ông bà già anh trăm ngày hết 99 ngày chửi nhau inh xóm làng, còn khiến anh bị đòn lây. Chán quá, anh “té” vào Nam rong ruổi mấy năm, nay dạt ra Đà Nẵng dặt dẹo. Thấy hai đứa nói chuyện, anh đoán người cùng cảnh”. Tr. nhìn tôi một hồi, thấy cũng áo pull, quần rin xé gối nên không giữ khoảng cách.

- Anh tên Linh, quê Thanh Hóa. Còn 2 đứa?

- Em là Tr., ở Đắc Lắc. Bạn em tên Gi., quê Vũng Tàu. Hai đứa em lang thang chắc cũng một thời gian thôi rồi về, chứ sống mãi thế này chẳng biết đâu ngày mai.

Thấy vào guồng, tôi đốt điếu thuốc, buông đủ “chuyện tầm phào” của riêng mình, từ hoàn cảnh gia đình đến cuộc sống phiêu dạt nhiều năm ở TPHCM hòng khai thác chuyện của Tr., Gi. Suốt cữ cà-phê buổi chiều cuối tháng 2-2015, cuối cùng chuyện của hai người cũng được Tr. bật mí, dù có thể chưa tường tận. Hai người quen nhau qua mạng từ cuối năm 2012, lúc đó cả Tr. và Gi. đều học lớp 12. Say sưa chát, điện thoại với nhau nhiều tháng trời, hai người thấy rất “hợp” nên kỳ nghỉ hè ôn thi đại học, Tr. quyết định bắt xe đò xuống Vũng Tàu thăm Gi. Gần một tuần hội ngộ, hàn huyên chuyện học, chuyện chơi ở quê bạn, hai người nảy sinh chuyện tình cảm riêng tư, nhưng bị gia đình phát hiện. Liên tục bị đòn roi mềm mông, cộng thêm kết quả trượt đại học, bị bố mẹ cấm dùng máy tính, điện thoại, Gi. nhất thời ức chế, quyết định xách ba lô bỏ nhà lên Đắc Lắc vào cuối năm 2013 để tìm Tr., rồi hai người dạt xuống Đà Nẵng lang thang, mặc sự trông ngóng, lo âu của gia đình.

T. và nhóm bạn của mình thường xuyên lấy gầm cầu Thuận Phước làm giường.

Hơn 1 năm phiêu bạt, thi thoảng cả hai dùng sim rác gọi điện về nhà, có điều nói dối đang lang thang ở TPHCM, Đà Lạt hòng đánh lạc hướng người thân, nhưng lần nào gọi về cũng bị chửi mắng nên cả hai tiếp tục bám trụ Đà Nẵng. Sống với nhau như vợ chồng, hơn một năm qua, cặp đôi này ngày ngày chia ca, buổi phụ quán cà-phê, lúc lang thang ôm tờ rơi của các đơn vị quảng cáo rao vặt phát khắp các ngã tư đèn xanh đèn đỏ kiếm tiền sống.

Dịp Tết Ất Mùi, tôi gặp lại T., cậu thanh niên năm nay 21 tuổi, quê Bến Tre tại Công viên 29-3 (nhân vật tôi từng gặp khi thực hiện loạt bài viết “sống đêm ký sự” giữa năm 2014) khi cậu đang bán bóng bay dạo cho trẻ em du xuân. Cậu thanh niên có phần đáng thương, nhưng cũng thật đáng trách. Kinh tế gia đình không đến nỗi, bố làm nghề xây dựng, mẹ kinh doanh hàng mỹ phẩm chí ít mỗi tháng cũng làm ra trên dưới 30 triệu đồng nuôi T. và em ăn học nên người. Khổ nỗi, thời gian 2012, T. chưa xong cấp 3 thì bố mẹ sống ly thân vì “ông ăn chả, bà ăn nem”. Thiếu thốn sự quan tâm của gia đình, T. lao vào “mê hồn trận” của những trò chơi trong thế giới ảo. Giữa năm 2012 T. phá hòm chìa khóa lấy tiền, vàng của mẹ rồi lên TPHCM “sống bụi”. Được một thời gian, T. rủ người “huynh đệ” tên Q. (quê Hải Phòng) lưu lạc ra Đà Nẵng. Ngày hai người tìm việc làm, tối đến tìm quán nhậu vỉa hè chén chú chén anh trước khi về gầm cầu Thuận Phước ngả lưng qua đêm. Do cả hai đều có CMND nên mỗi lần gặp lực lượng tuần tra họ đều có cách biện hộ để khỏi bị làm phiền.

Không như Tr., Gi., T. và Q., ở Đà Nẵng có khá nhiều nhóm sống bụi, tuy nhiên chỉ là... tạm bợ. Như nhóm của “D. SH”, “V. dép đúc”... cứ 1-2 tháng lại lấy xe SH, xế hộp cùng các hot girl cặp kè “sống bụi” vài đêm. Gia đình có liên lạc, họ chỉ cần dối rằng đi dã ngoại cùng bạn bè, coi như xong chuyện. Cứ thế, ngày họ kéo nhau đến các khu vui chơi, du lịch chơi bời, khuya thì vào bar uống bia rượu, đốt thuốc, thể hiện là những tay chơi “sành điệu”.

Thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tiếp cận được cả vài chục trường hợp lập nhóm “sống bụi”. Mỗi người mỗi địa phương khác hội tụ về đây và ai cũng có lý do riêng trước khi bước vào cuộc hành trình đầy cạm bẫy. Người tiết lộ vì thiếu sự quan tâm của gia đình, bị cấm đoán yêu đương, hay người hận người yêu, rồi thích nhau qua mạng Internet... Bước vào cảnh “sống bụi”, có người tồn tại bằng những công việc chân chính, nhưng cũng không thiếu người “bần cùng sinh đạo tặc”, cướp giật đến “sống thử”, làm gái bán hoa... Cũng vì “sống bụi”, dăm bữa nửa tháng chúng ta vẫn nghe những mẩu thông tin trên báo chí, truyền hình liên quan đến chuyện gia đình, người thân đăng tin tìm con kèm theo lời nhắn nhủ: “Bố mẹ, người thân sẽ tha thứ khi con trở về”.

Công Hạnh
(còn nữa)