Sống chung với tin nhắn rác?!
(Cadn.com.vn) - Tin nhắn rác được gửi đến các thuê bao dưới nhiều hình thức, như: tin nhắn lợi dụng, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn mời chào, tin nhắn lập lờ, tin nhắn xuyên tạc, bịa đặt, tin nhắn mạo danh nhà mạng, tin nhắn mạo danh một thuê bao khác, và cả tin nhắn quảng cáo của nhà mạng..., đã và đang gây bức xúc, phiền hà thậm chí bất bình trong xã hội. Ấy thế, dường như cho đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn tin nhắn rác. Liệu cả cộng đồng sẽ phải... sống chung với tin nhắn rác?
Những năm qua, nhiều Nghị định, Thông tư, Chỉ thị về chống tin nhắn rác đã ra đời: Ngày 13-8-2008, Chính phủ có Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác; tiếp đó, ngày 5-10-2012, Chính phủ ra Nghị định số 77/2012/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung Nghị định 90. Gần đây, ngày 24-12-2014, Bộ TT&TT ra Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Ngay cả, Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XI cũng đã lên tiếng về vấn nạn tin nhắn rác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tin nhắn rác không những suy giảm mà có dấu hiệu tăng, ngày càng biến tướng tinh vi hơn, đa dạng hơn với nhiều nguồn phát tán khác nhau từ tổ chức, cá nhân người sử dụng điện thoại, máy tính cho đến chính các nhà mạng – các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Nghị định, Thông tư, Chỉ thị dường như chưa đủ sức đối phó với sự bùng phát của tin nhắn rác trong cuộc sống thực tế.
Những tin nhắn rác trên một chiếc điện thoại. Ảnh: N.L |
Vì sao có tình trạng này? Chúng tôi cho rằng, có một vài nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, do sự buông lỏng quản lý, thiếu chủ động và chưa mạnh tay của cơ quan chủ quản ngành. Thứ hai, do thiếu các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không đồng bộ và xử lý bất cập của các nhà mạng. Thứ ba, do siêu lợi nhuận từ tin nhắn rác các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã thao túng, chi phối và thậm chí tiếp tay cho việc phát tán tin rác. Thứ tư, do độc quyền, thiếu trách nhiệm và coi thường người dùng của các nhà mạng. Thứ năm, do các nguyên nhân khác, như: các lỗ hổng về an ninh và an toàn mạng; chất lượng cán bộ quản trị mạng; ý thức tôn trọng và bảo vệ thông tin người dùng,...
Điều đáng nói nhất, gây bức xúc nhất, khó chịu nhất cho người dùng là dù thuê bao không có nhu cầu, không đăng ký dịch vụ nhận quảng cáo nhưng nhà mạng vẫn ngang nhiên như bắt buộc thuê bao trả lời tin nhắn rác (dưới dạng quảng cáo, giới thiệu, mời chào...), như cuối tin nhắn rác đều có nội dung: “nếu không đồng ý soạn TC ( tức từ chối) gởi 9142”,... Đó là chiêu móc túi khách hàng tinh vi của nhà mạng. Và, nếu không trả lời thì nhắn tin rác vẫn cứ gởi đến nhiều hơn, với lời lẽ mỹ miều hơn nhưng bản chất vẫn là một. Làm sao không bực bội, không lên tiếng được!
Tin nhắn rác đã và đang là vấn nạn thường trực cho người dùng, đang thách thức các nhà quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam. Người dùng kêu gọi những người có trách nhiệm, các cơ quan chức năng hãy ra tay kịp thời, thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, thiết lập kỷ cương, đảm bảo thông tin an toàn, tin cậy và tạo niềm hy vọng cho người dùng.
Phan Thanh