Sông Hàn chảy giữa quê nhà yêu thương

Thứ tư, 23/03/2022 17:38
Đà Nẵng, thành phố bên bờ biển xanh, có dòng sông Hàn như dải lụa dịu mềm thơ mộng, gợi lên bao cảm xúc sáng tạo cho người nghệ sĩ. Nơi đây từng để lại nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa đắm say lòng người, vấn vương bước chân du khách.
Sông một bên phố một bên...
Sông một bên phố một bên...

"Phố bên sông", một thi phẩm vừa ra đời của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhân ngày tháng Ba đầy kỷ niệm. Bài thơ viết về góc phố nhỏ bên sông Hàn mà không hề nhộn nhịp, ồn ào, chỉ gợi tả về một thành phố êm đềm, một không gian huyền diệu với nỗi niềm sâu kín trong vẻ đẹp ẩn tàng, gần gũi qua từng câu chữ: "Phố gần biển cũng chẳng xa/ Sông Hàn chảy giữa quê nhà yêu thương".

Bằng cảm xúc bất chợt của một người nặng nợ với sông, nhà thơ thả hồn mình trôi theo dòng nước lặng lờ, tha thiết mến thương bên con sông Hàn thơ mộng, một vùng đất đầy quyến rũ với bao người từ phương xa đến: "Một bên phố một bên sông/ Bên kia là biển xanh trong bốn mùa/ Mình tôi bên ngọn gió lùa/ Đâu đây vọng tiếng chuông chùa Tiên Sa". Ý thơ có sự quyện hòa giữa hình ảnh và âm thanh, giữa sắc màu của hiện thực cuộc sống cùng thanh âm của quá khứ xa xưa vọng về. Ngồi ngắm phố, nhà thơ như nghe được cả tiếng chuông chùa Linh Ứng ngân nga trong sương sớm, nghe được nhịp đập của một thành phố trẻ đang thay da đổi thịt từng ngày.

Sông Hàn từ lâu đã lặng lẽ chảy trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, bởi dòng sông ấy là hợp lưu của sông Vu Gia, quê hương của nhà thơ với con sông Thu Bồn quê mẹ đã gắn bó với ông cả một đời, để rồi lúc xuôi về biển cả, nó làm nên một dáng chảy riêng cho thành phố này. Nguyễn Ngọc Hạnh đã từng có những vần thơ về sông thật ý vị: "Đời bao nhiêu dáng chảy/ Sông chỉ một dòng thôi/ Chỉ một dòng vô tận/ Qua lưng núi chân đồi/ Qua bao nhiêu ghềnh thác/ Như mỗi ngày đời tôi/ Như là em là mẹ/ Đến với tình yêu tôi/ Sông muôn đời vẫn thế/ Một dòng xanh êm trôi" (Sông chỉ một dòng).

Với Nguyễn Ngọc Hạnh, sông Hàn và Đà Nẵng còn là tình yêu, tình thân; là em là mẹ của nhà thơ: "Chiều nghiêng nửa phố chiều trông/ Phố như tranh vẽ xao lòng đò ngang/ Soi bóng mẹ xuống sông Hàn/ Trời không xanh vẫn sáng trong một màu" (Lục bát qua sông). Đứng trên sông Hàn lặng ngắm những chiếc cầu mà mỗi chiếc mang một dáng vẻ riêng, nhà thơ nhớ lại những năm tháng xa xưa của 25 năm về trước, nơi đây hàng ngày tấp nập người xe qua lại trên những bến phà nối hai bờ đông tây. Quá khứ đã qua làm nền cho một hiện tại sinh động; để có những đổi thay hôm nay, thành phố đã vượt qua bao nỗi đoạn trường của những tháng ngày gian khó, bất cứ sự thành công nào cũng đổi bằng mất mát và thương đau. Lời gọi "Đò ơi" bật lên trong tâm thức như lời nhắc nhở, nhắn nhủ bao người hãy nhớ lấy, đừng quên: "Cầu quay mấy nhịp tơ vương/ Đò ơi còn nhớ dặm trường xa xưa".

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là vậy; những phút lặng thầm đối diện với chính mình, co lại trong nỗi cô đơn chính là lúc câu thơ bùng vỡ những suy cảm rất riêng. "Phố bên sông" với thể thơ lục bát mềm mại, tình tứ khơi mở xúc cảm cho người đọc không chỉ là đơn thuần ở việc miêu tả nét riêng biệt về vị trí địa lý của vùng đất mà nhân vật trữ tình ở đây đang muốn chia đôi, phân thân vừa như để đối thoại vừa như đang độc thoại với mình. Phân thân chỉ là một cách để chủ thể giãi bày tâm trạng với cõi vô cùng vô tận của biển đời. Nếu ở những khổ đầu nhà thơ trò chuyện với phố với sông thì càng về cuối bài, Nguyễn Ngọc Hạnh độc thoại cùng biển và em: "Mưa trong cái nắng ban trưa/ Em như ngọn gió xuân vừa qua đây/ Một mình với biển chiều nay/ Đại dương một cốc rượu đầy tri âm/ Mình tôi một bóng lặng thầm/ Rót vào đâu những thăng trầm biển ơi/ Ly này chạm với trùng khơi/ Còn bao ly nữa xin mời riêng tôi".

Những câu thơ mênh mang một nỗi niềm ẩn sâu khuất lấp, giữa những bất chợt của cơn mưa chiều và cái nắng ban trưa có chút gì như là tâm trạng nhà thơ đang chông chênh giữa cái đã qua và cái hiện thời. Có điều gì đó khó lý giải như nỗi giằng xé của Nguyễn Thụy Kha trong "Không đề" vậy: "Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Trong cơn mưa ban trưa/ Thấy hồn mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa". "Em" là cơn mưa quá khứ, là ngọn gió xuân thổi giữa lòng anh khô khát. Nhưng tất cả chỉ là những khoảnh khắc, bất chợt ghé qua rồi tan biến chỉ còn "tôi"- chủ thể trữ tình cùng nỗi niềm khó nói.

Đứng trước cõi mông mênh của sông và biển, dù tâm trạng có chút nỗi niềm nhưng Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn tha thiết gắn bó với cuộc đời và con người bởi đây là cả một nguồn thơ, là tình yêu không bao giờ vơi cạn. Bài thơ kết lại bằng lời mời "em" cạn chén trong giây phút rạng ngày, cùng ngồi lại bên chiếc cầu ký ức để nhớ thương và nhìn lại: "Xin đừng lỡ nhịp cầu quay/ Cho đêm vừa sáng rạng ngày mới lên". Nhịp cầu quay lúc 0 giờ mỗi đêm trở thành ấn tượng khó quên đối với mỗi ai đã từng sống và yêu Đà Nẵng. Dù chủ thể trữ tình đang ở trạng thái chơi vơi bồng bềnh, say với chính mình hay đang ngẫm suy về quy luật cuộc đời trước thời khắc giao thời nhưng ý thơ vẫn chứa chan tình yêu đối với cuộc sống, con người nơi thành phố thân yêu này.

Nguyễn Thị Thu Thủy