Sông Hàn, du thuyền và... tàu cá
(Cadn.com.vn) - Sông Hàn được ví là báu vật giữa lòng thành phố biển Đà Nẵng. Nhiều người vẫn xem đây là điểm nhấn của ngành du lịch, bên cạnh Bà Nà, Non Nước, Sơn Trà... Tuy nhiên, ngoài những cái sẵn có mà các doanh nghiệp du lịch tận dụng bấy lâu nay, sông Hàn vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng, lợi thế. Thậm chí, so sánh một cách hình tượng, thấy dòng sông giống như mỹ nhân mặc chiếc áo cũ quê mùa.
Ngổn ngang ý tưởng
Trong mắt các chuyên gia quy hoạch và những người làm du lịch, sông Hàn hiện rất ngổn ngang. Dọc hai bờ Đông – Tây có du thuyền, tàu du lịch, có tàu cá công suất lớn nhỏ, thuyền đánh bắt chip chip, thả lưới bắt cá nước lợ, có tàu hút cát tập kết chờ xử lý, có cả tàu vận tải. Cho nên sẽ còn lâu nó mới vươn mình trở thành con sông du lịch như tiềm năng của nó và kỳ vọng của chính quyền, người dân thành phố. Các doanh nghiệp có tàu du lịch hoạt động phản ánh, hiện họ đang gặp rất nhiều khó khăn khi đưa các sản phẩm vào hoạt động.
Theo chủ trương của thành phố, tất cả các tàu du lịch hiện phải neo đậu tại Cảng sông Hàn (cũ). Tuy nhiên, điểm neo đậu này chỉ là tạm thời, giống như câu chuyện “xe dù bến cóc” trên đường bộ nên chưa tạo tâm lý an tâm, ổn định kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch đường sông. Để hoạt động thuận lợi, đáng ra các chỗ neo đậu của tàu du lịch đường sông phải có cơ sở hạ tầng tối thiểu như điện nước, cổng chào, nhà chờ cho khách, lan can cầu cảng, chỗ neo đậu an toàn, nhà vệ sinh, thùng đựng rác... nhưng ở đây hiện chỉ là một bãi bê-tông rộng mênh mông.
Năm 2011, có doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đường sông ở Đà Nẵng nhưng cuối cùng phải bỏ, tìm đến địa phương khác hoạt động vì gặp nhiều khó khăn, kinh doanh không thuận lợi. Thông tin đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến du lịch đường sông ở Đà Nẵng, trong khi thành phố chủ trương đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch tiềm năng này.
Một du khách Hà Nội tham gia tour du ngoạn trên sông Hàn trong thời gian 70 phút nói vui: “Tôi nghe bài hát gì đó ví sông Hàn như thiếu nữ tuổi 18 thì thấy hơi tiếc. Vì cô thiếu nữ này hiện chẳng có phòng tiếp khách, người ta đến rồi đi qua chứ chẳng có thời gian dừng lại để nói chuyện, tìm hiểu. Như vậy thì quả là đáng tiếc, cứ như thế mãi kiểu gì cô ấy cũng... ế chồng”. Một câu ví von rất hay cảnh báo về việc sông Hàn sẽ già đi và kém hấp dẫn nếu không được khoác tấm áo mới thay cho tấm áo cũ kỹ quê mùa lâu nay.
Nếu ban ngày dòng sông Hàn ngổn ngang thì ban đêm trông có vẻ lung linh nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), hiện nay có nhiều trường hợp ngư dân đánh bắt thủy sản về đêm trên sông nhưng không có đèn chiếu sáng hay đèn tín hiệu đủ sáng, gây khó khăn cho các phương tiện tàu thuyền qua lại và có nguy cơ va chạm nguy hiểm cho cả hoạt động du lịch đường sông lẫn đánh bắt hải sản của ngư dân.
Rất nhiều tàu du lịch đang hoạt động trên sông Hàn là tàu cá cải hoán. |
Tàu cá “lột xác” thành tàu du lịch
Sở hữu nhiều điểm đến ven sông, du lịch đường sông Đà Nẵng được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Để có được điều này thì ngoài điểm neo đậu, dừng chân và các dịch vụ đi kèm thì đội ngũ tàu du lịch phải đủ đáp ứng về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, hiện nay phần lớn tàu du lịch trên sông Hàn đều là các tàu cá được người dân cải hoán để chuyển đổi công năng phục vụ tham quan cho du khách. Cho nên hầu hết khách đi trên các chuyến tàu này đều là khách nội địa, vì với du khách nước ngoài, chẳng ai đi du lịch bằng tàu cá bao giờ. Hiện trên sông Hàn có 26 tàu hoạt động du lịch nhưng 22 trong số đó được cải hoán từ tàu đánh cá và tàu hút cát.
Theo Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, vừa qua, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra các phương tiện vận chuyển khách du lịch trên sông Hàn. Trong 26 tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn thì có 13 tàu hoàn thành đăng ký các thủ tục theo quy định, 12 phương tiện còn lại chưa hoàn thành thủ tục (có 4 tàu không đúng theo tiêu chuẩn thiết kế). Rất nhiều tàu trong số này không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, neo đậu không đúng nơi quy định.
Cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động 6 tàu chưa đủ điều kiện tham gia giao thông đường thủy nội địa. Vì là tàu cải hoán, thiếu rất nhiều điều kiện để hoạt động du lịch trên sông nên đã từng xảy ra một số vụ tai nạn đường sông như chìm tàu, cháy tàu gây nguy hiểm cho du khách và các phương tiện trên sông. Mới đây nhất, vào tháng 4-2014, 10 khách du lịch nội địa đã hồn vía lên mây khi chiếc tàu T.V 2 chở họ du ngoạn sông Hàn đã đâm vào trụ cầu và bị chìm. Nếu không được cứu hộ kịp thời, một thảm kịch hoàn toàn có thể xảy ra vì lúc đó là đêm tối.
Tại cuộc họp HĐND thành phố mới đây, một đại biểu đã chất vấn lãnh đạo ngành Du lịch rằng, thành phố có con sông Hàn rất đẹp nhưng du lịch hầu như chưa khai thác được gì. Trên sông có hàng chục tàu du lịch nhưng thực chất là tàu cá được “lột xác”. Nếu những con tàu ấy xảy ra sự cố cháy nổ, đâm va, hỏng hóc mà chìm trên sông thì trách nhiệm thuộc về ai. Cũng tại kỳ họp này, chính ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở VH-TT&DL cũng thừa nhận rằng, du lịch đường sông của Đà Nẵng vẫn đang còn đang loay hoay.
Theo ông Vinh, UBND TP đã giải tỏa được cảng sông Hàn, công việc tiếp theo hết sức cần thiết là phải sớm hoàn thiện nâng cấp cảng để có điện, nước, nhà chờ... cho các tàu du lịch. Đi đôi với công việc này, chính quyền và cơ quan chức năng của thành phố cũng đã có thông báo không khuyến khích các doanh nghiệp đóng mới tàu để đáp ứng nhu cầu của du khách, hạn chế việc cải hoán tàu cá thành tàu du lịch. Với chức năng của mình, Sở VH-TT&DL đề xuất UBND thành phố sớm đưa vào hoạt động cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT) để tạo đầu mối trong vấn đề quản lý, đảm bảo các yếu tố hoạt động cho Cảng sông Hàn. Cạnh đó, để đảm bảo mỹ quan, an toàn giao thông đường thủy, Sở cũng đề xuất thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp cùng UBND Q. Sơn Trà, Hải Châu có phương án tuyên truyền, bố trí thời gian khai thác hợp lý hoặc chuyển đổi ngành nghề và nghiêm cấm hoạt động đánh bắt hải sản trên sông.
Từ chuyến phà cuối cùng chở người dân thành phố qua lại giữa đôi bờ sông Hàn cho đến khi những chiếc cầu hiện đại mọc lên ngẫm thế mà nhanh. Từ những khu nhà chồ ven sông đến những tòa cao ốc tráng lệ cũng nhanh. Hai bờ sông lột xác, thành phố thay da đổi thịt từng ngày. Vậy nhưng mặt nước sông Hàn – nơi mà có người vẫn nói mỗi mét vuông đều có thể sinh lợi cho ngành Du lịch - có vẻ vẫn phẳng lặng, chưa thực sự được đánh thức.
Công Khanh