"Sống khổ" bên nhà máy bia

Thứ sáu, 09/11/2018 21:00

Gần 10 năm qua, dù đã có hàng chục lá đơn kêu cứu gửi đi, song cũng chừng đó năm, hàng trăm hộ dân sinh sống tại P. Bắc Lý, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vẫn phải sống chung với ô nhiễm: nước thải, tiếng ồn, bụi than từ Cty Cổ phần bia Hà Nội- Quảng Bình. Hoạt động của công ty này trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống thường nhật của người dân...

Bên trong Cty Cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình.

Sống chung với khói bụi

Căn nhà cấp 4 của bà Trần Thị Lan, trú TDP 13 (P. Bắc Lý) chỉ cách Cty CP Bia Hà Nội- Quảng Bình một con đường dân sinh chưa đầy 4m nên "lãnh đủ" mọi thứ:  từ tiếng khởi động lò hơi, tiếng hệ thống máy móc rền vang và hai ống khói xả bụi  khói đen sì. Bà Lan cho biết, mặc dù ngày nào cũng lau chùi nhà cửa, nhưng bụi than từ các ống khói trên rơi xuống, bay vào bám đầy nhà và các vật dụng. Vừa chỉ tay xuống nền nhà, bà Lan nói thêm: "Con tôi mới lau dọn lúc sáng, bây giờ đã thế này, vì trong bụi than có cả dầu mỡ nên phải dùng xà phòng mới chùi rửa sạch được".

Không chỉ nhà bà Lan, hàng trăm hộ dân ở tiểu khu 11, 12, 13 và tiểu khu 14, P. Bắc Lý đều phải chịu chung cảnh ngộ. "Tôi có đứa cháu ngoại ở cùng thành phố, chỉ cách nhà tôi có mấy ki-lô-mét nhưng ông bà nội cháu không dám cho đến nhà chơi, vì mỗi lần đến là mặt mũi chân tay cháu lại lấm lem bụi than", một người dân sống phía sau Cty bia than thở.

Được biết, bụi than của Cty CP Bia Hà Nội- Quảng Bình làm ảnh hưởng thường xuyên đến hơn 100 hộ dân sống xung quanh và ảnh hưởng không thường xuyên với khoảng hơn 300 hộ dân trong vòng bán kính 500m. Người dân lo ngại, nếu tình trạng này tiếp tục thì nguồn nước của họ sẽ bị ô nhiễm, sức khỏe bị ảnh hưởng.

Ông Hoàng Tấn Ngọc- Tổ trưởng TDP 13 cho biết: "Hàng trăm hộ dân sống chung với ô nhiễm không khí đã gần năm nay, mỗi khi người dân kiến nghị, chúng tôi đến hỏi Cty thì được trả lời là do sự cố. Cách Cty tầm 300m có một trường mầm non, chúng tôi đang lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu nhỏ". Còn theo ông Nguyễn Hoa Bắc- Đội trưởng Đội sản xuất nông nghiệp TDP 13, không chỉ khói bụi, nước thải của Cty bia nói trên cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. "Có lần Cty xả nước thải trực tiếp ra kênh dẫn nước vào đồng ruộng, sự việc bị phát hiện thì Cty giải thích là do sự cố. Sự việc này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính", ông Bắc nói.

 Sự cố vỡ nắp chụp khiến bụi than nhà máy rơi đầy đường và hiện tại bám đầy vào cửa nhà người dân.

Sẽ di chuyển vị trí ống khói

Cty CP Bia Hà Nội- Quảng Bình hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3100301045 do Phòng đăng ký kinh doanh- Sở KHĐT Quảng Bình cấp thay đổi lần thứ 10 ngày 15- 12- 2015. Tiền thân là nhà máy bia rượu Quảng Bình, được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang Cty cổ phần ngày 10-11-2003, đến tháng 8- 2004 đổi tên thành Cty CP Bia Hà Nội- Quảng Bình và sát nhập về Tổng Cty Bia rượu nước giải khát Hà Nội, công suất thiết kế 20 triệu lít/năm.

Khi vừa thành lập, Cty sử dụng than đá làm nguyên liệu đốt, đến năm 2011, công ty chuyển qua đốt trấu và mùn cưa ép. Ông Nguyễn Thanh Lộc- Phó giám đốc Cty thừa nhận là có khói bụi và tiếng ồn trong quá trình sản xuất, tuy nhiên ở mức độ chấp nhận được, chỉ những khi xảy ra sự cố khói bụi mới nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. "Chúng tôi cũng đã cố gắng nhiều nhất có thể nhưng trong sản xuất không thể tránh được những việc đó, Cty lại nằm quá gần khu dân cư", ông Lộc giải bày.

Qua trao đổi, ông Phan Xuân Hào- Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Quảng Bình cho biết, từ năm 2017 đến nay, Cty Cổ phần Bia Hà Nội- Quảng Bình đã bị phạt nhiều lần về sự cố trong quá trình sản xuất. Cụ thể, xử phạt về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 đến dưới 5 lần (thông số tổng Coliform), mức phạt hơn 40 triệu đồng; cuối tháng 6- 2018 phạt hành chính 10 triệu đồng vì để xảy ra sự cố nước thải; ngày 18- 9, ống khói lò hơi bị vỡ nắp chụp làm bụi than bốc ra trùm kín cả khu dân cư nên bị phạt 15 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Nam Hương- Giám đốc nhà máy bia Hà Nội- Quảng Bình giải thích: "Nhà máy hiện đang sử dụng công nghệ đốt lò cách đây hơn 10 năm nên thỉnh thoảng vẫn gặp sự cố ngoài mong muốn. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều điều động nhân công sớm khắc phục, sửa chữa. Việc di dời nhà máy đi xa khu dân cư tốn kinh phí từ 400 đến 500 tỷ đồng, nhiều hạng mục công trình, kỹ thuật phải xây mới hoàn toàn. Do tốn kém và nguồn kinh phí quá lớn nên tạm thời chưa thể di dời được". Cũng theo bà Hương, biện pháp trước mắt của nhà máy là từng bước đổi mới lại công nghệ vận hành, trồng thêm cây xanh, tăng cường vệ sinh công nghiệp. Trong thời gian tới,  nhà máy sẽ di dời ống khói vào vài chục mét sâu trong Cty; tiếp tục xử lý khói bụi ở hệ thống lò hơi... để làm sao giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của những người dân xung quanh.

D.N