Sống khổ trong vùng dự án khu phố mới Phước An

Thứ ba, 19/11/2024 08:50

Dự án Phát triển bất động sản khu phố mới Phước An (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) được Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên đến nay, nhiều người dân nằm trong vùng dự án vẫn chưa được di dời, bố trí tái định cư (TĐC); nhà cửa xuống cấp khiến cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả. Trước tình hình đó, mới đây người dân và chủ đầu tư đã làm đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Bà Nguyễn Thị Nhị bức xúc khi 8 năm qua vẫn ở trong nhà dột nát mà chưa có đất để TĐC.
Nhiều hộ dân dù đã nhận tiền bồi thường đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có đất TĐC nên chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

8 năm thu hồi đất nhưng vẫn chưa tái định cư

CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam (chủ đầu tư) được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư dự án trên vào tháng 5-2015. Từ năm 2016, dự án được UBND huyện Tiên Phước thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC. Sau nhiều lần chậm trễ, đến tháng 5 - 2024, dự án được UBND tỉnh Quảng Nam gia hạn điều chỉnh tiến độ thực hiện lần thứ 6 (đến hết tháng 4 - 2025 hoàn thành).

Tuy nhiên, theo phản ánh của chủ đầu tư, từ khi gia hạn đến nay, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do vướng mặt bằng, đặc biệt khó khăn trong công tác bố trí TĐC cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. “Đến nay đã gần 8 năm kể từ thời điểm thu hồi đất, tuy nhiên còn nhiều hộ dân chưa được bố trí TĐC gây bức xúc về nhà ở; trong khi các hộ dân đã chấp hành nhận tiền, bàn giao mặt bằng từ năm 2016 - 2021. Nhiều năm qua, một số hộ gia đình đã tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, phải đi thuê nhà ở hoặc ở trong nhà tạm. Một số hộ ở tại chỗ bị trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng, nhà cửa xuống cấp có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Do đó đã có rất nhiều đơn kêu cứu, yêu cầu giải quyết khẩn cấp, bố trí đất để TĐC cho các hộ làm nhà, ổn định cuộc sống, nhưng vẫn chưa được xem xét, giải quyết gây bức xúc trong nhân dân và dư luận”- đại diện chủ đầu tư cho hay.

Chủ đầu tư cũng chia sẻ thêm, hiện nay mùa mưa bão đã đến, đặc biệt chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc, việc một số hộ dân vẫn sống trong cảnh nhà thuê, nhà tạm bợ, nhà thấp trũng, chưa ổn định cuộc sống, phụng hiến tổ tiên nên rất bức xúc và phản cảm. Trước tình hình cấp thiết này, chủ đầu tư kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, GPMB của dự án, thực hiện bố trí TĐC cho người dân, đảm bảo ổn định cuộc sống trong dịp Tết cổ truyền năm 2025…

Nhà ông Nguyễn Dõng (76 tuổi, trú thị trấn Tiên Kỳ) nằm dưới trũng, xung quanh dự án đã đổ đất cao nên nhà thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa đến.

Nhiều vướng mắc, bất cập

Trao đổi với phóng viên về dự án trên, ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, tồn tại lớn nhất trong công tác thực hiện Dự án Khu phố mới Phước An chủ yếu là công tác TĐC không kịp thời, đến nay người dân vẫn chưa được giao đất để làm nhà ở. Hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, nhưng sau khi thu hồi đất vẫn chưa có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, không có việc làm. Nhiều hộ gia đình có diện tích đất ở thu hồi rất lớn, có nhiều thế hệ cùng chung sống trên thửa đất, nhưng việc bố trí TĐC theo quy định hiện hành chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân nên công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ, TĐC gặp nhiều khó khăn, kéo dài.

Cũng theo ông Hùng Anh, địa phương không có quỹ đất sạch để bố trí TĐC cho người dân kịp thời tại thời điểm thu hồi đất. Do đó, quỹ đất dùng để bố trí TĐC cho các hộ dân được lấy từ quỹ đất của Dự án (TĐC tại chỗ). Đây là vấn đề mấu chốt, cốt lõi dẫn đến việc không thể lập phương án TĐC, giao đất TĐC cho người dân có đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Việc xây dựng phương án TĐC, giao đất TĐC chỉ có thể thực hiện sau khi thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB của Dự án mới có quỹ đất TĐC. Trong khi đó, người dân yêu cầu có đất TĐC mới bàn giao mặt bằng. Chính điều này đã tạo ra vòng luẩn quẩn trong công tác bồi thường, GPMB của Dự án.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần. Những thay đổi lớn nhất trong các văn bản nói trên là chính sách TĐC, tập trung chủ yếu vào số lô đất được bố trí TĐC và đối tượng được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC. Những thay đổi này gây khó khăn trong việc thực thi chính sách bồi thường, GPMB nhất là khi UBND huyện, Ban bồi thường, GPMB, hỗ trợ, TĐC huyện Tiên Phước đã làm việc, thống nhất với người dân về chế độ TĐC theo các chính sách đã ban hành trước đó…

Xin tỉnh cho chủ trương giải quyết

“Có thể nói, Dự án Phát triển bất động sản Khu phố mới Phước An kéo dài trong nhiều năm gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ dân. Việc chậm trễ trong quá trình thực hiện Dự án do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, phần lớn là do lỗi của các cơ quan Nhà nước. Thời gian qua, UBND huyện Tiên Phước đã tiếp nhận nhiều đơn thư, kiến nghị bức xúc đề nghị giải quyết bố trí TĐC, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để làm nhà ở của 11 hộ dân và có xu hướng tăng lên trong thời gian đến. Huyện Tiên Phước đã nhiều lần tổ chức tiếp công dân, giải thích, vận động người dân đồng thuận chờ cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc làm cơ sở giải quyết các kiến nghị của hộ dân, nhưng đơn thư vẫn phát sinh liên tục, vượt cấp, do vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài”- lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Nhị bức xúc khi 8 năm qua vẫn ở trong nhà dột nát mà chưa có đất để TĐC.

Về hướng giải quyết trong thời gian đến, lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước cho rằng, trường hợp hủy Quyết định bồi thường và các Quyết định thu hồi đất trước đây để thực hiện xác định giá đất TĐC, giá bồi thường tại thời điểm hiện nay thì phát sinh nhiều bất cập, thất thoát ngân sách Nhà nước, cụ thể: Hiện trạng về đất không còn, công tác lập phương án mất thời gian. Người dân sẽ chậm bàn giao mặt bằng, làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án dẫn đến chậm giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các hộ TĐC. Một số hộ dân có diện tích thu hồi nhỏ bị thiệt hại rất lớn do phải nộp thêm tiền chênh lệch sử dụng đất TĐC, phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện trong nhân dân, làm phức tạp ANTT trên địa bàn. Một số hộ có diện tích thu hồi đất ở lớn thì phát sinh chi phí bồi thường, GPMB, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Trước những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trên, UBND huyện Tiên Phước đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho chủ trương áp dụng giá đất tính tiền sử dụng đất TĐC tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để tính tiền sử dụng đất TĐC cho các hộ gia đình đã nhận tiền bàn giao mặt bằng theo phương án bồi thường đã được phê duyệt; thống nhất việc giao đất TĐC cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bàn giao mặt bằng, giao đất để thực hiện Dự án mà UBND huyện Tiên Phước đã thống nhất với hộ dân về vị trí, số lô, diện tích và giá TĐC nơi đến, đảm bảo theo quy định hiện hành và phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của hộ dân…

Trần Tân

“Cò đất” định quỵt tiền cọc của người chết

Ngày 28-7, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho hay đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Long Hào (1981, trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Biến” đất Nhà nước thành đất cá nhân, cán bộ đất đai lãnh 6 năm tù

Ngày 22-4, TAND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, vừa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Hoàng Quốc Vũ (1983, trú xã Tam Vinh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm sai lệch hồ sơ nguồn gốc đất đai, cựu cán bộ địa chính lãnh án

Liên quan đến vụ án vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân Dệt Đa Phước (P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) giả mạo hồ sơ giấy tờ, lừa bán đất thuê của Nhà nước và cựu Phó Chủ tịch phường làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; chiều 25-3, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Phùng Đình Dương Kha