Sống mãi ký ức Quảng Đà

Thứ năm, 07/09/2017 09:15

Toàn cảnh sự khốc liệt, đẫm máu và cả ý chí kiên trung, bất khuất của nhân dân trong các cuộc đấu tranh diễn ra tại chiến trường Quảng Đà được chính những họa sĩ từng trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu khắc họa qua tranh bột màu một cách chi tiết, sống động, chân thật, làm sống mãi ký ức của một thời khói lửa đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Bức tranh Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được 1954 của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh.

Có nhiều họa sĩ tên tuổi đã gắn bó cả tuổi trẻ với một thời đạn giật bom rung. Chính bởi vậy, đề tài chiến tranh là một nguồn cảm hứng sáng tác bất tận dành cho người nghệ sĩ. Nhiều cái tên đã thật sự trưởng thành từ sự bước ra chân đất với ký ức vẹn nguyên về chiến trường Quảng Đà. Trong đó, cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, họa sĩ Lê Huy Hạnh, họa sĩ Lê Trí Dũng, họa sĩ Trịnh Bá Quát, họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng… cùng nhiều họa sĩ không chuyên cũng đã gửi gắm nhiều thông điệp qua các tác phẩm về đề tài người lính, chiến tranh thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem.

Bức tranh bột màu về Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được 1954 (xã Bình Triều, H. Thăng Bình, Quảng Nam) của cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh là một minh chứng sống động cho sự ác liệt ở chiến trường Quảng Đà. Người người, nhà nhà từ già đến trẻ, từ nam đến nữ đều cầm trên tay những vũ khí thô sơ đối chọi với vũ khí tối tân, được trang bị hiện đại của bọn lính Mỹ - Diệm. Tất cả những gì có thể đấu tranh như gậy gộc, cuốc xẻng, dây thừng… đều được người dân sử dụng. Bằng những chi tiết cụ thể bật lên khí thế hừng hực, tinh thần chống giặc ngoại xâm. Bức tranh lột tả tất cả diễn biến cuộc kháng chiến trường kỳ, cho người xem chứng kiến tận mắt sự tàn ác của địch cũng như tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân. Cảnh khiêng người bị thương, người chết bằng võng từ Bàu Bàng (xã Bình Phục) về đồn chợ Được (xã Bình Triều); cảnh người chết kéo hàng dài, nối nhau nhưng tinh thần vẫn không hề nản, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong khi đó, nhiều cuộc đấu tranh đòi thực thi hiệp định Genève của nhân dân Phú Ninh hay những cuộc đấu tranh ác liệt tại Điện Bàn, Đại Lộc…với tinh thần bất khuất cũng được các họa sĩ khắc họa bằng chất liệu bột màu mang giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. “Nhiều họa sĩ thật sự tâm đắc với đề tài chiến tranh. Với họ, chiến trường Quảng Đà là nơi họ từng cống hiến tuổi thanh xuân, một phần xương máu nên nhiều tác phẩm đã chạm tới đỉnh cao của nghệ thuật về cả nội dung và cách trình bày. Trong đó, cố họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh là người có nhiều tác phẩm đang được trưng bày tại Bảo tàng. Hiện nay, với hơn 400 tác phẩm do chính họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh khắc họa là tư liệu quý, minh chứng lịch sử có giá trị nhắc nhở thế hệ sau về ký ức Quảng Đà một thời”, họa sĩ Lê Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết.

Tác phẩm Ký ức sông Hàn miêu tả về cuộc sống và con người Đà Nẵng với hình ảnh người lính lái xe tăng băng vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975 cùng sự vẫy chào, vui mừng từ nhân dân của họa sĩ Lê Trí Dũng cũng là dấu mốc mang nhiều ý nghĩa không thể quên. “Các tác phẩm như một lời tâm sự mà người họa sĩ muốn gửi gắm, dùng mỹ thuật để gợi nhắc về một thời lịch sử huy hoàng. Mỗi tác phẩm là một dấu mốc lịch sử ở chiến trường Quảng Đà. Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng đang thu thập, nhận nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh của các họa sĩ để giới thiệu đến người xem nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bảo tàng”, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trao đổi.

Phi Nông