“Sóng ngầm” hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều
Giới quan sát cho rằng, việc Washington tuyên bố kiên quyết không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có hành động cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa như “sóng ngầm” có nguy cơ phá hỏng bàn hội đàm thượng đỉnh đã lên kế hoạch giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un.
Thông tin về các cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều, Mỹ - Triều liên tục được trình chiếu trên truyền hình Hàn Quốc. Ảnh: AP |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 24-4 lạc quan cho rằng, các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ “có kết quả”, chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này.
Phát biểu trước cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon tại Washington, ông Mattis nói: “Có rất nhiều lý do để lạc quan, các cuộc đàm phán sẽ thu được kết quả”. Tuy nhiên, giới quan sát lại lo ngại. Theo họ, việc Washington tuyên bố kiên quyết không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có hành động cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa như “sóng ngầm” có nguy cơ phá hỏng bàn hội đàm thượng đỉnh đã lên kế hoạch giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định, Tổng thống Trump dự kiến tiếp tục chiến dịch “gây sức ép tối đa” bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao, cho đến khi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa.
Mỹ muốn tránh sai lầm cũ
Hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt này, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ gặp gỡ trực tiếp một lãnh đạo Triều Tiên, xuất hiện sau một loạt các nỗ lực ngoại giao quốc tế chưa từng thấy của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Trump liên tục ca ngợi cuộc gặp được lên kế hoạch này và nhận định đây sẽ là sự kiện “tuyệt vời”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Mỹ không nên vui mừng chủ quan dẫn đến những sai lầm như trước đây.
Theo Yonhap, trong tuyên bố mới nhất của mình, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton hôm 24-4 cũng nhấn mạnh, lần này Washington sẽ quyết tâm tránh mắc lại sai lầm rơi vào các cuộc thương lượng kéo dài với Bình Nhưỡng và cho phép Triều Tiên thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí. Phát biểu với báo giới tại Seoul, bà Thornton còn kêu gọi Triều Tiên thực hiện thêm các hành động nhằm thuyết phục thế giới về sự chân thành của họ trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Ông Kim Jong-un sẽ “lộ diện” ở thế mạnh hay thế yếu?
Hôm 21-4, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng mọi vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời đóng cửa bãi thử hạt nhân. Đa số các nước hoan nghênh tuyên bố này của Bình Nhưỡng, nhưng cũng còn đó những hoài nghi khi Triều Tiên không hứa từ bỏ các vũ khí hạt nhân hiện có. Bản thân Nhà Trắng cũng xem đây là “tín hiệu tốt”, nhưng cũng nhấn mạnh, như vậy là chưa đủ để thuyết phục.
Dù còn nhiều hoài nghi, tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng cũng cho thấy thái độ mềm mỏng hiếm có của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, như một cách để “lấy điểm” với các nước trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng giữa Hàn-Triều và Mỹ-Triều. Và một câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu ông Kim Jong-un sẽ “lộ diện” ở thế mạnh hay thế yếu?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế của Triều Tiên đang bị tổn thương do các lệnh trừng phạt của LHQ, điều đó có nghĩa là ông Kim Jong-un đang tiếp cận các cuộc đàm phán này từ một vị thế yếu hơn. Tuy nhiên, đa số ý kiến lại cho rằng, khi ông Kim Jong-un đến hội nghị thượng đỉnh với hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn, bản thân ông đã có nhiều con đường để giành chiến thắng. Tất nhiên, nhiệm vụ ưu tiên là nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nỗ lực để Mỹ đi đến quyết định giảm các biện pháp trừng phạt và từ đó làm lung lay liên minh quân sự Mỹ - Hàn.
KHẢ ANH