Sống phập phồng trong vùng sạt lở

Thứ ba, 08/11/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Cứ vào mùa mưa bão, hàng ngàn hộ dân ở dưới chân núi, bờ sông, vùng biển TT-Huế luôn thấp thỏm, lo âu vì tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

Sạt lở biển hoành hành

Do trời mưa và gió lớn, những ngày đầu tháng 11-2016, bờ biển xã Vinh Hải (H.Phú Lộc, TT-Huế) tiếp tục sạt lở kéo dài, xâm thực sâu vào bờ khoảng 20m. Nhiều cây phi lao có tuổi đời trên chục năm cũng bị sóng biển "nuốt chửng", bờ cát bị sạt lở dựng đứng ăn vào sát mép nhà dân. Ông Mai Xuân Thành (60 tuổi, trú xã Vinh Hải) nói trong lo lắng: "Hơn 20 năm trước, vợ chồng tui ra đây dựng nhà ở làm ăn. Hồi đó, bờ biển cách nhà hơn cây số, thế nhưng mấy năm trở lại đây, sóng biển liên tục "nuốt chửng" hàng cây bao bọc bờ cát, xâm thực lấn sâu vào bờ và hiện chỉ còn cách nhà khoảng 40m". Ngoài căn nhà của vợ chồng ông Thành, tình trạng sạt lở bờ biển còn đe dọa đến cuộc sống của hàng chục hộ dân gần đó. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết, tuyến bờ biển qua địa bàn xã dài 4 km thì nay đã bị sạt lở hơn 2/3, đe dọa cuộc sống của gần 700 hộ dân và ảnh hưởng đến 250 ha hoa màu lẫn vùng nuôi trồng thủy sản. "Bình quân mỗi năm, xã trồng mới từ 70-100 ngàn cây phi lao dọc bờ biển nhưng đều bị sóng biển cuốn trôi". Theo ông Dũng, sau nhiều lần chính quyền địa phương kiến nghị, UBND tỉnh đã trích kinh phí 2,5 tỷ đồng để gia cố đoạn kè xung yếu với chiều dài 300m bằng rọ đá. Tuy nhiên, do sóng lớn kết hợp với triều cường đã gây ra nhiều điểm sạt lở mới, đặc biệt có điểm sóng biển tràn qua đê cát vào khu đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban PCLB và TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, ngoài xã Vinh Hải, tuyến bờ biển thuộc địa bàn tỉnh TT-Huế còn có hơn 10 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 30km, trong đó có 10km có mức độ sạt lở rất nặng, đe dọa đến khu dân cư tại các xã: Quảng Công (H.Quảng Điền); Phú Thuận, Phú Diên (H. Phú Vang); Vinh Hiền, Lộc Vĩnh (H. Phú Lộc)... Ông Đinh Khắc Đính- Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, hiện tượng xâm thực bờ biển ở tỉnh diễn ra từ nhiều năm. Trong đó, năm 2015, tuy ít mưa bão nhưng tình hình xâm thực, sạt lở bờ biển vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Mới đây, trong đợt kiểm tra một số khu vực bờ biển sạt lở tại Huế, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định, tình hình xói lở bờ biển diễn biến rất phức tạp, không chỉ ở TT-Huế mà trên phạm vi bờ biển toàn quốc. Ông Hoàng Văn Thắng khẳng định, bờ biển Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế du lịch, tác động đến đời sống nhân dân vùng ven biển. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, hiện tình hình sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng với xu hướng tăng dần. Nghĩa là khi phát triển nhiều ở thượng nguồn thì nguy cơ xâm thực bờ biển sẽ tăng cao. Nếu các địa phương không thận trọng trong vấn đề trên sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này...



Bờ biển Vinh Hải sạt lở nghiêm trọng đã cuốn trôi hàng chục ngàn cây phi lao chắn sóng.

Sống chung với sạt lở

Đã hơn 3 năm nay, gia đình ông Ngô Ngọc Tuấn (trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) luôn sống thấp thỏm dưới chân đèo Phú Gia- khu vực sạt lở nằm trong diện phải di dời. "Cứ vào mùa mưa bão, cả nhà tui như ngồi trên đống lửa vì sợ đất đá từ đèo có nguy cơ ập xuống bất cứ lúc nào. Trong cơn lũ lịch sử vào năm 1999, khu vực đèo Phú Gia đã từng một lần bị sạt lở và chôn vùi một căn nhà sát nhà tui"-ông Trư nhớ lại. Gần đây nhất vào mùa mưa năm 2013, khu vực đèo Phú Gia cũng đã xảy ra sạt lở đất; tuy không gây ra thương vong nhưng vườn tược của những hộ sống cạnh đó bị vùi lấp hoàn toàn. Chung số phận với nhà ông Tuấn là nhiều hộ dân khác ở ngay dưới chân đèo Phú Gia. Ông  Phan Văn Cường-  Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết, hiện có 14 hộ dân ở thôn Phú Gia bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại đèo này, trong đó có 9 hộ có nguy cơ ảnh hưởng cao. Theo ông Cường, vấn đề sạt lở đã xảy ra hơn 3 năm nay. Khi có mưa lớn, UBND xã huy động lực lượng để đưa các hộ dân này đến nơi an toàn để ẩn nấp với các trường hợp không thực hiện xã sẽ tiến hành cưỡng chế. Để giải quyết về lâu dài cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở, UBND H.Phú Lộc đã tiến hành tái định cư cho các hộ dân này, đồng thời Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có hộ nào nhận tiền cũng như chuyển đến khu tái định cư. Nói về nguyên nhân, ông Cường cho biết, số tiền 20 triệu không đủ để cho các hộ dân này xây nhà trong khi hoàn cảnh của họ rất khó khăn.

Căn nhà ông Tuấn thuộc diện di dời trong khu vực sạt lở núi Phú Gia nhưng do không đủ tiền nên 3 năm nay vẫn chưa thể di dời.

Thôn Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc) có 400 hộ dân sinh sống ven sông Bù Lu bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông trong vòng gần 30 năm qua. Chỉ tay về phía mấy ngôi nhà nằm sát mép sông chưa biết đổ sập lúc nào, ông Phạm Ngọc Mau (51 tuổi), thôn Cảnh Dương nói như cầu cứu: "Đêm nằm ngủ mà cứ lo sợ nhà bị sập, hoặc bị cuốn ra sông. Không riêng chi gia đình tui mà hầu hết các hộ dân sống dọc tuyến bờ sông Bù Lu này cũng chung tình cảnh. Giờ cứ thấy mưa bão là bà con cứ thấp thỏm không yên vì không biết nhà bị cuốn trôi khi mô!". Cũng theo ông Mau, phần lớn bà con trong thôn chuyển đến đây sinh sống vào năm 1980. Lúc đó, bờ sông cách nhà cửa của họ năm bảy trăm mét, thế nhưng chỉ mấy năm gần đây, bờ sông đã tiến vào sát khu dân cư. Nghiêm trọng nhất là từ mùa mưa năm 2014, tình trạng sạt lở bờ sông Bù Lu diễn biến phức tạp với nhiều điểm sạt lở mới có độ dốc thẳng đứng từ 3-3,5m. Theo lãnh đạo xã Lộc Vĩnh, từ năm 2013, có 17 hộ dân ảnh hưởng sạt lở bờ sông trong diện được hỗ trợ di dời (20 triệu đồng/hộ) nhưng đến nay chỉ mới có 6 hộ nhận tiền để chuyển đến Khu tái định cư Lộc Vĩnh. Riêng, các hộ dân còn lại vì thiếu kinh phí xây dựng nhà nên chưa thể di dời mà phải sống chung với sạt lở.

H.Lan