Sống thấp thỏm dưới đường dây dẫn điện cao thế

Thứ bảy, 19/01/2019 18:35

Nhiều năm nay, người dân ở P.Hương Vân (TX Hương Trà, TT-Huế) luôn sống thấp thỏm, lo âu vì nhà cửa, đất đai, cây cối nằm dưới hành lang đường dây điện 220KV (dự án mạch 2 Đông Hà- Huế) nhưng không được di dời mà chỉ được hỗ trợ đối với phần diện tích nhà, đất bị ảnh hưởng. Tại TDP Sơn Công, P.Hương Vân có nhiều ngôi nhà cấp 4 nơi đường dây điện 220KV chạy qua mái nhà. Bà Nguyễn Thị Thuyền (73 tuổi, trú TDP Sơn Công) cho hay, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi có đường dây điện cao thế vắt ngang qua nhà, gia đình luôn trong tình cảnh lo sợ, không đêm nào ngủ ngon giấc. “Khi trời mưa thì đường dây điện nghe rù rù ghê lắm. Tivi thường xuyên nhiễu sóng không xem được. Khi có gió bão gia đình phải di tản đi nơi khác, còn ngồi trong nhà thì run rẩy sợ bị phóng điện. Sức khỏe tôi cũng yếu dần vì hay đau đầu và tay chân tê nhức, sáng ngủ dậy người thường rất mệt...”- bà Thuyền nói. Ngay sát nhà bà Thuyền, gia đình ông Trần Hưng Lừa (54 tuổi) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Những lúc mưa to, điện xẹt lửa tóe tung ở các cột điện, người dân ngó lên mà run lập cập. Còn vào mùa lũ, bên dưới thì nước ngập lênh láng vì đây là vùng trũng, còn trên mái nhà thì điện chạy rù rù. Rất nhiều gà vịt trong làng bị chết mà người dân cho rằng do rò rỉ điện. Nếu xảy ra án mạng thì không biết ai chịu trách nhiệm nữa...”- ông Lừa lo lắng.​

Đường dây điện cao thế chạy qua mái nhà của nhiều hộ dân ở P.Hương Vân.

Hiện, không những đường dây điện cũ đang tồn tại mà thêm một đường dây  điện 220KV chuẩn bị bắc ngang nhà người dân khiến họ lo sợ hơn. Ông Trần Kiêm Danh (trú TDP Sơn Công) thông tin, trước đây vào năm 2010, gia đình ông một lần bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cao thế nên UBND TX Hương Trà di dời, tái định cư tại TDP Sơn Công bây giờ. Thời điểm đó, ông Danh nhận được 90 triệu đồng tiền bồi thường và vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà 300 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Không ngờ giờ đây thêm một lần nữa, dự án điện cao thế lại đi qua nhà ông. “Lần này nhà tôi chỉ được hỗ trợ tổng cộng 62 triệu đồng nếu di dời. Chừng đó không đủ để xây ngôi nhà mới”- ông Danh nói. “Mỗi lần di chuyển nhà là phá đi làm lại, rất vất vả, khó khăn, tốn kém về cả thời gian, tiền bạc, công sức. Nhưng vì đảm bảo an toàn tính mạng, chúng tôi tha thiết đề nghị được di dời, cấp đất tái định cư và được đền bù thỏa đáng để xây dựng nơi ở mới, đảm bảo an toàn...”- một số hộ dân khác nêu nguyện vọng.

Ông Châu Văn An- Chủ tịch UBND P.Hương Vân cho rằng, việc người dân phải sống dưới đường dây cao thế là rất nguy hiểm về tính mạng và sức khỏe. Mặc dù phường rất quan tâm nhưng đây là việc nằm ngoài tầm tay của địa phương. “Chúng tôi chỉ ở mức tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng theo quy định, ngoài ra có thể phối hợp với các ban ngành tìm quỹ đất trên địa bàn để tìm đất tái định cư cho dân nếu dân muốn di dời...”- ông An nói. Qua trao đổi, ông Trần Xuân Đống- Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TX Hương Trà cho biết, tuyến đường 220 KV Đông Hà- Huế do Ban quản lý Các dự án lưới điện miền Trung (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung) quản lý và đi qua 7 phường trên địa bàn. Theo ông Đống, Nghị định số 14 ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện thì các hộ bị ảnh hưởng đợt này đủ điều kiện tồn tại tại chỗ, không di dời đến nơi khác. Vì thế các hộ chỉ được hỗ trợ đối với phần nhà, tài sản, đất bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ. “TX Hương Trà có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng ở P.Hương Vân và X.Hương Thọ. Hiện, các hộ có yêu cầu được đền bù 100% về đất, tài sản; đồng thời được di dời đến nơi ở khác nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ hỗ trợ theo quy định hiện nay là hỗ trợ 80% về đất và 70% về tài sản phần bị ảnh hưởng. Từ số tiền hỗ trợ, người dân có thể dùng để thay mái, thay đổi kết cấu nhà ở để hạn chế việc ảnh hưởng...

“Hiện, UBND TX Hương Trà đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin phê duyệt giá đất để bố trí 1 lô/1 hộ đối với những trường hợp ảnh hưởng có nhu cầu. Nhưng người dân vẫn phải nộp tiền theo giá quy định của nhà nước”- ông Đống thông tin. Trước thông tin này, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dây dẫn điện 220KW cho rằng hầu hết đều có hoàn cảnh rất khó khăn nên việc vừa nộp tiền đất vừa đầu tư xây dựng nhà cửa là hoàn toàn nằm ngoài khả năng của họ. Hơn thế nữa, nếu chuyển đến nơi ở mới thì nghề phát triển chăn nuôi, trồng trọt gắn bó với họ lâu nay cũng khó tồn tại vì đất không có. Vì vậy, nhiều hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND tỉnh TT-Huế xem xét.

H.LAN