Sri Lanka: Tổng thống khẳng định sẽ từ chức như kế hoạch

Thứ ba, 12/07/2022 11:03
Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka thông báo Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 11-7 đã khẳng định sẽ từ chức như kế hoạch được công bố ban đầu, trong khi các đảng đối lập chính của Sri Lanka đã nhất trí thành lập một chính phủ lâm thời với sự tham gia của tất cả các đảng phái.
Người biểu tình xông vào bên trong Dinh Tổng thống. Ảnh: Reuters
Người biểu tình xông vào bên trong Dinh Tổng thống. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hôm 10-7, các đảng đối lập tại Sri Lanka đã nhóm họp nhằm đạt được nhất trí về việc thành lập chính phủ mới. Ranjith Madduma Bandara, một quan chức hàng đầu trong đảng đối lập chính Lực lượng Nhân dân đoàn kết, cho biết đảng này đã tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với những đảng khác và những nghị sỹ rút khỏi đảng Podujana Peramuna (SLPP) cầm quyền của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc họp khác diễn ra. Ông Bandara không tiết lộ khi nào các bên sẽ đạt được thỏa thuận.

Hôm 9-7, hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống và dinh thự của Thủ tướng nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống. Sau đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố sẽ rời khỏi nhiệm sở khi nào chính phủ mới được thành lập, trong khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa thông báo sẽ từ chức vào ngày 13-7 để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình. Hiện, những người biểu tình vẫn đang cố thủ tại tư dinh của Tổng thống và Thủ tướng, khẳng định sẽ không rời khỏi đây cho đến khi hai nhà lãnh đạo này chính thức từ chức. Binh sỹ đã được triển khai quanh thành phố Colombo. Tham mưu trưởng quân đội Sri Lanka Shavendra Silva kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng trong duy trì trật tự và luật pháp.

Tổng thống Rajapaksa "bặt vô âm tín" kể từ hôm 8-7. Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết quyết định từ chức của ông Rajapaksa "nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách hòa bình". Nếu Tổng thống và Thủ tướng của Sri Lanka từ chức, chủ tịch Quốc hội sẽ được bổ nhiệm làm quyền tổng thống và Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống mới trong vòng 30 ngày.

Khủng hoảng kinh tế

Sri Lanka rơi vào tình trạng bất ổn trong vài tháng qua giữa thời điểm nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu bị thiếu hụt và giá cả tăng chóng mặt. Tháng 5 vừa qua, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Nước này đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây và hầu hết người dân đang chật vật để trang trải cho các nhu cầu cơ bản của họ.

Kế hoạch phân bổ nhiên liệu vừa được giới thiệu hồi đầu tháng này. Cảnh sát vũ trang và quân đội được triển khai tới các trạm xăng dầu. Cuộc khủng hoảng được cho là do đại dịch COVID-19 đã tước đi nguồn thu quan trọng từ du lịch của quốc đảo này. Việc chi tiêu của chính phủ tăng mạnh, cắt giảm thuế… đã khiến lạm phát gia tăng.

Mỹ đổ lỗi cho Nga

Trong tuyên bố hôm 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố "sự gây hấn của Nga" có thể đã góp phần gây nên tình trạng bất ổn tại Sri Lanka. Ngoại trưởng Mỹ nói với các phóng viên ở thủ đô Bangkok - Thái Lan: "Chúng tôi nhận thấy tác động của sự gây hấn này của Nga đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Điều đó có thể đã góp phần vào tình hình ở Sri Lanka. Chúng tôi lo ngại về những tác động trên toàn thế giới". Theo ông Blinken, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng trên khắp thế giới đã trở nên trầm trọng hơn đáng kể sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2. Ông một lần nữa kêu gọi Moscow cho phép 20 triệu tấn ngũ cốc rời khỏi các cảng của Ukraine mà ông cho là các lực lượng Nga đang ngăn chặn.

Tuy nhiên, Nga phủ nhận cáo buộc chặn xuất khẩu lương thực. Moscow cho biết họ đã cung cấp hành lang an toàn cho các tàu vận tải nhưng Ukraine đang ngăn các tàu dân sự rời cảng, bao gồm cả Odessa. Nga cũng nói rằng việc Ukraine rải thủy lôi trên biển đã tạo ra mối đe dọa đối với hoạt động vận tải biển trong khu vực. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng một số quốc gia đang cố gắng sử dụng vấn đề an ninh lương thực "theo cách tồi tệ nhất có thể" khi cáo buộc Nga "về điều gì đó mà Moscow không liên quan".

Ấn Độ bác tin triển khai binh sỹ tới Sri Lanka

Văn phòng Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka ngày 10-7 đã kiên quyết bác bỏ "những thông tin truyền thông mang tính suy đoán" về việc New Delhi điều binh sỹ tới Colombo trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng chính trị ở nước sở tại.

Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, cơ quan trên nêu rõ: "Văn phòng Cao ủy kiên quyết bác bỏ những thông tin mang tính suy đoán trên các phương tiện truyền thông về việc Ấn Độ đưa binh sỹ tới Sri Lanka. Những thông tin này và những quan điểm như vậy không phù hợp với lập trường của Chính phủ Ấn Độ". Tuyên bố có đoạn: "Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm nay đã tuyên bố rõ ràng rằng Ấn Độ sát cánh cùng nhân dân Sri Lanka khi họ tìm cách hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng và tiến bộ thông qua các phương tiện và giá trị dân chủ, các thể chế đã được thiết lập và khuôn khổ Hiến pháp".

AN BÌNH