Sri Lanka trong “vòng vây” Trung - Ấn

Thứ sáu, 09/11/2018 10:53

Ấn Độ, cường quốc truyền thống trong khu vực, hiện đang tập trung vào cảng biển và nhiều dự án tại Sri Lanka, đẩy lùi sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây. Nỗi sợ lớn nhất của Ấn Độ là Sri Lanka, nằm ngay ngoài khơi bờ biển phía nam và trên một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới, có thể trở thành tiền đồn quân sự của Bắc Kinh. Cuộc chiến giữa hai ông lớn trong việc tranh giành ảnh hưởng tại Sri Lanka đang tạo ra bất ổn chính trị tại nước này.

Công trường xây dựng cảng Colombo, được Trung Quốc đầu tư. Ảnh: Reuters

Những bất hòa giữa Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe về cách thích ứng với những lợi ích của Ấn Độ là lý do chính khiến chính phủ của nước này tan rã, các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao nước ngoài nhận định.

Ông Wickremesinghe, người đã bị sa thải hôm 26-10 và được thay thế bởi chính trị gia thân Trung Quốc Mahinda Rajapaksa, đã nỗ lực để tái cân bằng quan hệ đối ngoại của Sri Lanka theo hướng tách khỏi Bắc Kinh và xích lại gần Ấn Độ, Nhật Bản. Trong khi đó, việc bổ nhiệm ông Rajapaksa vào ghế thủ tướng Sri Lanka có thể là “tin vui” đối với Trung Quốc. Bắc Kinh từng duy trì mối quan hệ gần gũi với Sri Lanka trong suốt 10 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Rajapaksa trước khi ông mãn nhiệm vào năm 2015. Tuy nhiên, mối quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn này cũng mang lại những khoản nợ lớn cho Sri Lanka khi nước này cần tiền để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng.

Vì đâu nên nỗi?

Ông Wickremesinghe từ chối trả lời khi được hỏi liệu ông có cho rằng sự cạnh tranh của Trung - Ấn khiến ông bị sa thải. Nhưng cựu bộ trưởng Rajitha Senaratne khẳng định Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe đã cãi nhau tại cuộc họp. Hai quan chức Sri Lanka, cũng như một nhà ngoại giao phương Tây và một nguồn chính phủ Ấn Độ cũng xác nhận điều này.

  Văn phòng của tổng thống không trả lời câu hỏi về vấn đề này. Tổng thống Sirisena tại cuộc họp công khai hôm 5-10 cho rằng các đối thủ chính trị của ông đang cố gắng níu kéo giữa ông và chính phủ Ấn Độ bằng cách vẽ ra việc ông phản đối New Delhi. Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi đã cam kết hỗ trợ phát triển cho Sri Lanka. Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh âm mưu thay đổi lãnh đạo tại Sri Lanka, nói rằng họ không can thiệp vào vấn đề này. Nhật Bản nói về việc sa thải ông Wickremesinghe. Nhưng ông Wickremesinghe và một quan chức từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho biết, khoản vay mềm trị giá 1,4 tỷ USD cho một dự án đường sắt ở Colombo đã tạm dừng.

Nhà ga container

Ấn Độ hiện đang thúc đẩy Sri Lanka ký thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD xây nhà ga container thứ hai của nước ngoài tại Colombo. New Delhi đã nhắc lại biên bản ghi nhớ (MOU) Sri Lanka đã ký kết vào tháng 4-2017.

MOU đưa ra kế hoạch chi tiết cho các dự án mà New Delhi sẽ tham gia, bao gồm một nhà máy lọc dầu, đường sá, nhà máy điện và nhà ga container. MOU này cũng bao gồm sự tham gia của New Delhi vào việc phát triển các khu công nghiệp.  Trong cuộc họp nội các, Thủ tướng Wickremesinghe đã nhắc đến dự án cảng container nhưng Tổng thống Sirisena cho rằng đất nước, hiện đang vướng vào khoản nợ 8 tỷ USD với Trung Quốc, không thể cung cấp thêm bất kỳ tài sản nào cho nước nào nữa.

Căng thẳng vốn tồn tại từ lâu giữa hai nhà lãnh đạo Sirisena và Wickremesinghe, ngay cả trước cuộc đụng độ với dự án cảng. Tổng thống đã không phê chuẩn một số cải cách kinh tế, chẳng hạn như mở cửa lĩnh vực dịch vụ cho đầu tư nước ngoài thủ tướng đề nghị.

“Ngoại giao nợ”

 Một trong những quan chức trong cuộc họp nội các cho biết ông đã nhắc nhở Tổng thống Sirisena bằng cách trích lời cảnh báo của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng trước rằng, Trung Quốc đang sử dụng chính sách “ngoại giao nợ” và cảng Hambantota ở phía nam có thể trở thành căn cứ quân sự của Bắc Kinh.

Ông Wickremesinghe ủng hộ việc xây dựng quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ và Nhật Bản để cân bằng quan hệ với Trung Quốc. “Đây không phải là một dự án của Ấn Độ, và Nhật Bản chỉ là đối tác, cùng với Ấn Độ, đóng góp ở mức 20%”, ông Wickremesinghe cho biết.  Nhưng Tổng thống Sirisena không chỉ bác bỏ đề nghị này mà còn gây sốc bằng cách cáo buộc New Delhi, nói rằng ông là mục tiêu của một âm mưu ám sát và cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ đứng sau vụ việc.

Sri Lanka chỉ là một trong số các quốc gia Nam Á, nơi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khuấy động nền chính trị trong nước. Trung Quốc đã xây dựng các cảng, nhà máy điện và đường cao tốc ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Nepal, phần lớn nó gắn liền với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng kết nối Bắc Kinh với các nước xuyên Á và xa hơn nữa. Hồi tháng 9, Tổng thống Maldives thân Trung Quốc Abdulla Yameen đã thua trong cuộc bầu cử, được coi là một trở ngại đối với tham vọng của Bắc Kinh đối với quốc đảo này.

Ở Sri Lanka, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc có thể nhìn thấy rõ ràng. Cộng đồng người Trung Quốc đang tăng lên với khoảng 12.000 người. Chính phủ Tổng thống Ấn Độ Modi quyết tâm quay trở lại Sri Lanka. New Delhi đang tích cực quảng cáo cho các dự án bên cạnh các khoản đầu tư của Trung Quốc. Đại tá R. Hariharan, một sĩ quan tình báo quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu nói: “Ấn Độ không thể làm ngơ trước lợi thế chiến lược mà Trung Quốc đã đạt được ở Sri Lanka”. Cảng Colombo không phải là ưu tiên duy nhất. Tại Hambantota, Ấn Độ đang đấu thầu để giành quyền xây dựng một sân bay ngay bên cạnh cảng biển của Trung Quốc. “Chúng tôi hoàn toàn đang chơi trò chơi”, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ khẳng định.

AN BÌNH (Theo Reuters)