SS St Louis - Con tàu định mệnh

Thứ năm, 15/05/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Vào ngày 13-5-1939, hơn 900 người Do Thái chạy trốn khỏi Đức trên con tàu du lịch sang trọng, SS St Louis. Họ hy vọng sẽ đến Cuba và sau đó đến Mỹ. Nhưng tàu buộc đổi hướng ở La Havana và trở về Châu Âu, nơi có hơn 250 người bị Đức quốc xã giết chết.

Đó là cái giá để được đi trên con tàu sang trọng. Chúng tôi không biết phải làm thế nào”, bà Gisela Feldman nói. Ở tuổi 90, bà Feldman vẫn còn nhớ rõ cảm xúc lúc đó khi còn là cô gái 15 tuổi.

Sau khi Đức Quốc xã củng cố quyền lực, các gia đình Do Thái bình thường như Feldman phải rời khỏi đất nước do lo sợ bị diệt chủng. Nhà cửa của người Do Thái bị tịch thu, phân xưởng, nhà máy cháy rụi. Sau khi cha của bà Feldman bị bắt và bị trục xuất sang Ba Lan, mẹ bà quyết định đến lúc phải ra đi. Bà Feldman nhớ rằng, cha đã cầu xin mẹ chờ ông ấy trở lại nhưng mẹ bà vẫn giữ nguyên quyết định đưa các con đến nơi an toàn. Vì vậy, sau khi mua được thị thực đến Cuba, cùng với 10 mark trong ví và 200 mark giấu trong quần áo lót, mẹ bà Feldman hướng đến Hamburg và lên tàu St Louis.

Khi tàu rời cảng, bà Feldman nhớ cảnh những người thân đẫm nước mắt vẫy tay chào. “Chúng tôi biết sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chúng tôi là những người may mắn khi xoay xở để được đi khỏi Đức lúc đó”.

Con tàu St Louis đưa người tị nạn Do Thái rời khỏi Đức. Ảnh: BBC

Chuyến đi tìm hy vọng

Đầu năm 1939, Đức quốc xã đóng cửa hầu hết các biên giới của Đức và nhiều nước áp đặt quy định hạn chế số lượng người tị nạn Do Thái. Cuba được coi là một điểm trung chuyển tạm thời để đến Mỹ và các quan chức tại Đại sứ quán Cuba ở Berlin cấp thị thực với số tiền khoảng 200-300 USD/người, tương đương 3.000 đến 5.000 USD hiện nay.

St Louis bắt đầu chuyến đi 2 tuần xuyên Đại Tây Dương. Trên tàu, có một ban nhạc khiêu vũ vào buổi tối và thậm chí có cả rạp chiếu phim. Các bữa ăn với nhiều loại thực phẩm khiến các hành khách cũng nguôi ngoai phần nào nỗi lo lắng. Theo lệnh thuyền trưởng Gustav Schroder, những người phục vụ và các thành viên thủy thủ đoàn đối xử với hành khách lịch sự, trái ngược với sự thù địch các gia đình người Do Thái của Đức quốc xã. Vị thuyền trưởng cho phép mọi người tổ chức cầu nguyện vào tối thứ sáu. Sol Messinger, 6 tuổi, đi cùng với cha mẹ của mình, cho biết lúc đó mọi người rất hạnh phúc. Những đứa trẻ được ba mẹ động viên rằng, họ giờ đã thoát khỏi nguy hiểm.

Niềm vui vụt tắt

Nhưng khi chiếc tàu sang trọng đến bờ biển La Havana vào ngày 27-5, niềm tin biến mất, mà thay vào đó là sự sợ hãi. Granston bước lên boong cùng với cha mình và hàng chục gia đình khác, sẵn sàng cập bến, thì các quan chức Cuba xuất hiện. Họ thông báo con tàu sẽ không được cập bến và không ai được phép ra khỏi tàu. Khi các quan chức này rời khỏi và thuyền trưởng thông báo rằng, mọi người phải chờ đợi, dù lúc đó chỉ mới là một cậu bé, Granston vẫn nhận thấy có điều gì đó không ổn.

Trong 7 ngày sau đó, thuyền trưởng Schroder cố gắng thuyết phục giới chức Cuba cho phép họ được cập bến nhưng tất cả đều vô vọng. Trên thực tế, Cuba không thể làm gì hơn bởi nước họ khi đó đã có quá nhiều người tị nạn Châu Âu. Thuyền trưởng sau đó chỉ đạo St Louis tiến về phía bờ biển Florida, nhưng các nhà chức trách Mỹ cũng từ chối cho phép cập cảng, bất chấp những lời kêu gọi được trực tiếp gửi đến Tổng thống Franklin Roosevelt.

Vào đầu tháng 6, thuyền trưởng Schroder không có lựa chọn nào khác đành cho tàu quay trở lại Châu Âu. Khi con tàu quay trở lại qua Đại Tây Dương, mọi người lắc đầu im lặng trong tuyệt vọng. Một hành khách thậm chí còn cắt cổ tay và nhảy xuống biển. Tàu không phải quay trở lại Đức mà thay vào đó là Bỉ, Pháp, Hà Lan và Anh đồng ý tiếp nhận người tị nạn. Vào ngày 17-6, chiếc tàu neo đậu tại cảng Antwerp của Bỉ, hơn một tháng sau khi rời khỏi Hamburg. Feldman, mẹ và chị bà đặt chân lên Anh. Granston và cha cũng vậy.

Tuy nhiên, 254 hành khách khác trên St Louis không may mắn như vậy, họ bị giết khi Đức quốc xã quét qua Tây Âu.

An Bình (Theo BBC)