Sự đồng điệu giữa hai tâm hồn
Nhạc sĩ Giao Tiên- nhạc sĩ Trần Quế Sơn, hai nhac sĩ, hai thế hệ, cách nhau mấy chục năm nhưng những sáng tác của họ lai có sự đồng điệu. Đó là ca khúc "Cô Thắm về làng" của NS Giao Tiên và "Anh chàng thôn quê" của NS Trần Quế Sơn.
Nhạc sĩ Giao Tiên
Nhạc sĩ Giao Tiên sinh ngày 16-11-1941 tại Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định. Ông học tập, sống và lập gia đình tại Sài Gòn từ 1958- 1975, đi xây dựng vùng kinh tế mới Bù Đăng (Sông Bé) từ 1975- 1985. Đến năm 1985- 1990 ông về sống tại Đà Lạt và cuối cùng ông đang sống tại Cam Ranh (Khánh Hòa) từ 1990 đến nay.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn chào đời ngày 1-1-1972, nghĩa là khi NS Giao Tiên 31 tuổi thì Trần Quế Sơn mới chào đời. NS Trần Quế Sơn cũng sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung Quế Sơn (Quảng Nam). Miền quê nghèo, có ruộng đồng, có những cánh cò bay dập dờn chẳng khác mấy với Bình Định, quê hương của NS Giao Tiên. Trần Quế Sơn học 9 năm ở nhạc viện TPHCM, tốt nghiệp khoa sáng tác lý luận năm 1999.
Tuy ở thành phố lâu như vậy nhưng NS Trần Quế Sơn đúng là một anh chàng nhà quê ra phố, đến bây giờ vẫn giữ được cái mộc mạc, quê mùa đó. Khi Trần Quế Sơn thi đậu vào nhạc viện TPHCM, anh chàng này cũng … "lúa" hệt như anh chàng trong ca khúc. Chính vì vậy mà ca khúc… rất thật, rất chân tình. Chúng ta cùng tìm hiểu hai ca khúc này của hai NS khác nhau về tuổi tác, khác nhau về đề tài nhưng lại có một sự đồng điệu về quan niệm sáng tác, quan niệm sống và đặc biệt là tình cảm mà tác giả dành cho ca khúc của mình.
Từ lúc tôi còn bé xíu, đã nghe các anh chị ở làng tôi hát "Ô kìa ai như cô Thắm/con bác Năm ở xa mới về/Gớm! Người xinh sao xinh quá!/Trông ngẩn ngơ đám trai làng ta/ Mới ngày nao quay dây, nhảy tiên/mới ngày nào tung tăng khắp miền/ Mà giờ đây cô Thắm xinh như nàng tiên". Giai điệu bài này vừa ngộ nghĩnh dễ thương, vừa giản dị như miền quê nghèo ở bất cứ đâu trên dải đất miền Trung.
Hồi đó tôi chưa biết nhạc, cũng chưa có tivi, chưa có internet như bây giờ. Việc tìm bài hát này thật khó vì không có ai thuộc thật hoàn chỉnh. Tôi thích ca khúc này lúc còn là cô bé chăn trâu, suốt ngày tay nắm dây mũi trâu đứng trên bờ ruộng, mùa đông ở miền Trung lạnh thế mà vẫn… hiên ngang nghêu ngao hát "Cô Thắm về làng". Hồi đó tôi thích bài này đơn giản là thích cái giai điệu ngồ ngộ, hồn nhiên, dễ hát. Mấy anh trai làng tôi càng thích bài này, hay mượn ca từ của "Cô Thắm về làng" để bày tỏ lòng mình với mấy chị.
Bây giờ tôi có chút vốn liếng âm nhạc, sưu tầm được ca khúc này từ chính tay tác giả gửi cho tôi qua email thì thật là thú vị. Tác giả rất thân thiện và gửi cho tôi cái tiểu sử dài có những chiến công của ông. Tôi thực sự ngưỡng mộ ông và cảm thấy ông rất gần gũi. Tuy chưa gặp ông trực tiếp ngoài đời mà thân nhau như ông cháu. Về tuổi tác là vậy, nhưng thực ra ông rất trẻ trung, trẻ đến nỗi tôi không thể gọi ông bằng chú, bác… Quả thực, nghệ sĩ làm gì có tuổi. Có khi họ không còn trên đời này nữa mà mọi người vẫn gọi là… anh, là chị.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn.
Bài "Cô Thắm về làng" của NS Giao Tiên viết năm 1974, lúc đó NS Trần Quế Sơn mới được hai tuổi. Hai nhạc sĩ cách nhau bao thế hệ, thế nhưng tôi lại thấy hai ca khúc này như anh em họ hàng. Mặc dù NS Giao Tiên viết "Cô Thắm về làng" là viết về một cô gái ở phố thị về làng, cô đẹp như tiên, ăn mặc gấm hoa, trang đài khuê cát. Còn NS Trần Quế Sơn lại viết về một anh chàng ở quê, quê mùa, ngây thơ ra phố thị. Choáng ngợp trước phố thị nhưng "anh chàng" vẫn giữ được cái đẹp thật thà chất phác của mình. Chính vì thế anh chàng nhà quê vẫn tìm được hạnh phúc của mình. Anh làm cho người phố thị yêu người dân quê, yêu ruộng đồng, yêu dòng sông. Ca từ của Trần Quế Sơn cũng rất hay, mộc mạc: "Tôi ! Anh chàng thôn quê/Lên phố rất là ngây thơ/Em xinh đẹp như hoa/Dân phố khó gần…ghê ta/Tôi ! Anh chàng thôn quê/Lên phố rất là nai tơ/Nên đem lòng yêu em/Vẫn không nói được lời tình/Ơi…à ơi…Anh hát anh hò/Cho em yêu ruộng đồng/Cho em yêu dòng sông
Cho e yêu lũy tre làng xanh thắm…".
Nói thật, bây giờ các anh chàng ở quê ra phố tỏ tình theo cách của Trần Quế Sơn ở trên chưa chắc có cô nào… theo anh về đâu. Thời @ sống thực dụng hơn, còn cuộc sống quê mùa chỉ có dưa cà thế này có khi chỉ có trong ca khúc thôi. Thế nhưng cuộc sống quanh ta rất muôn màu muôn vẻ. Cũng có không ít những cô gái không mê tiền mà chỉ trọng tình yêu thật thà chất phác. Không ngại cuộc sống khó khăn ở những vùng quê. Họ yêu và biết thông cảm, chia sẻ với người mình yêu một cách chân tình và lãng mạn. Anh chàng thôn quê ca ngợi một tình yêu đẹp như thế. Bài hát có tính giáo dục cao, ngộ nghĩnh, lãng mạn pha chút tí tửng, ngồ ngộ của tác giả. Vì thế ca khúc này được nhiều ca sĩ hát, đặc biệt là cố nghệ sĩ Anh Vũ và nghệ sĩ Việt Hương thể hiện ca khúc này rất thành công.
Ca khúc "Anh chàng thôn quê" của Trần Quế Sơn cũng có giai điệu ngộ nghĩnh, dễ thương giống như "Cô Thắm về làng", nhưng mỗi ca khúc có cái hồn nhiên dễ thương khác nhau. Khúc thức mỗi bài hoàn toàn khác. Cách tiến hành và phát triển cao trào cũng khác. Cái khác nhau đó làm nên sự phong phú cho ca khúc Việt Nam. Tuy hai nghệ sĩ cách nhau mấy thế hệ nhưng cái nhìn về cái đẹp con người giống nhau: Đó là cái đẹp trong tâm hồn, cái đẹp dung dị, chân quê. Cái đẹp đó không bị phai mờ theo năm tháng, không lẫn giữa thành thị tấp nập hay ở vùng quê nghèo êm ả.
Có thể khán giả ngồi nhe nhạc, cũng ít người liên tưởng đến cái khác cái giống nhau giữa hai ca khúc. Riêng tôi, tôi muốn đề cập đến sự đồng điệu của hai tác giả này, họ sống ở hai thế hệ khác nhau, chịu tác động của xã hội, quan điểm về cuộc sống, về sáng tác khác nhau thế nhưng cái nhìn về vẻ đẹp của con người Việt Nam thì không khác. Người dân quê hay người thành thị đều biết trân trọng tình yêu của mình. Sống thật thà, chất phác, trân trọng cái đẹp trong tâm hồn. Chúc hai nhạc sĩ của hai thế hệ khác nhau một cuộc sống yên bình và tràn ngập hạnh phúc.
Nhạc sĩ Trần Thu Hường