Sự hoài nghi hay những sai lầm cá nhân?
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đối mặt thách thức lớn khi trở về nhà với bàn tay trắng.
Các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ đối mặt với một viễn cảnh thậm chí nguy hiểm hơn từ cấp chuyên viên và hiển nhiên các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất không đạt được bất kỳ kết quả gì. Mặc dù ông chủ Nhà Trắng để ngỏ các cuộc gặp khả thi trong tương lai với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, nhưng điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ông Kim Jong-un.
Thực tế là, kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi năm ngoái, giới ngoại giao quan tâm đến các cuộc đàm phán Mỹ - Triều đã chỉ ra 2 vấn đề nổi cộm khiến tiến trình thụt lùi. Đầu tiên là sự hoài nghi sâu sắc giữa Washington và Bình Nhưỡng. Thứ 2 là thiếu tính liên tục trong những cuộc liên lạc tại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.
Tại Washington, cơ quan chủ yếu phụ trách đàm phán với Triều Tiên đã chuyển từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sang Bộ Ngoại giao. CIA làm việc nhanh và hiệu quả, phần lớn nhờ vào khả năng của cơ quan này liên lạc trực tiếp với Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi ông Mike Pompeo rời khỏi CIA và trở thành Ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đảm nhận công việc này. Nhìn chung, có những biến động nhân sự cũng như chuyển giao trách nhiệm. Về phía Triều Tiên, tái cấu trúc tổ chức cũng đang diễn ra.
Nhưng cũng phải nói rằng, chính những áp lực từ quê nhà của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phần nào gây ảnh hưởng. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã ám chỉ rằng, vụ điều trần cựu luật sư Michael Cohen ảnh hưởng đến thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ông cho rằng, quyết định của phe Dân chủ chất vấn cựu luật sư riêng của ông là Cohen vào cùng ngày diễn ra cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đã dẫn tới việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Trên trang Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “...Không được làm như vậy khi một vị tổng thống công du nước ngoài. Thật xấu hổ!”.
THANH VĂN