Sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của Trump - Biden

Thứ sáu, 25/09/2020 09:29

Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử năm 2016 hứa hẹn đưa “Nước Mỹ trên hết” lật ngược lại những gì ông nói là các thỏa thuận thương mại không công bằng và buộc các đồng minh của Washington phải trả nhiều tiền hơn cho các biện pháp phòng thủ chung. Trong cuộc bầu cử ngày 3-11, ông sẽ đối đầu với cựu Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, người cam kết khôi phục quyền lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và đảo ngược nhiều hành động của ông Trump. Thực tế rõ ràng cho thấy, ông Trump và đối thủ Biden có rất nhiều quan điểm khác biệt trong chính sách đối ngoại.

Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden. Ảnh: AP

Trung Quốc

Dưới thời ông Trump, quan hệ Mỹ-Trung giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần đây về nhiều vấn đề. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ chống lại Bắc Kinh, và đội ngũ chiến dịch của ông cáo buộc ông Biden đang xoa dịu Trung Quốc khi việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ giảm sút.

Ông Biden đã phản bác, việc ông Trump xử lý đại dịch Covid-19 là sai lầm lịch sử và ông đã coi thường cảnh báo của cộng đồng tình báo về việc Trung Quốc hạ thấp mức độ nghiêm trọng. Ông Trump đã bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trước khi đạt được một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1. Kể từ đó, ông “đóng cửa” các cuộc đàm phán giai đoạn 2, bày tỏ sự không hài lòng với việc Bắc Kinh xử lý đại dịch. Ông Biden lập luận, Trung Quốc muốn chính quyền Trump hỗn loạn, xa lánh với các đồng minh Mỹ và từ bỏ vai trò lãnh đạo trong các thể chế toàn cầu. Theo ứng viên đảng Dân chủ, ông sẽ sửa chữa điều này bằng cách gây áp lực đa phương lên Trung Quốc thông qua các mối quan hệ mới với các đồng minh của Mỹ.

Iran-Triều Tiên

Ông Trump đã đặt câu hỏi về lợi ích của các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã đạt được với Iran, các quốc gia Châu Âu và Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã gửi thêm quân đến khu vực sau khi việc từ bỏ thỏa thuận làm gia tăng căng thẳng với Iran.

Ông Biden đã nói sẽ đối phó với Iran thông qua ngoại giao và tái gia nhập thỏa thuận, nhưng chỉ khi quốc gia Hồi giáo tiếp tục tuân thủ các hạn chế của thỏa thuận. Trong khi ông Biden muốn chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến của Saudi Arabia ở Yemen, điều mà ông Trump bảo vệ. Tổng thống Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên 3 lần vào năm 2018 và 2019, nhưng những nỗ lực để khiến ông Kim Jong-Un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vẫn bị đình trệ. Ông Biden lấy đó làm cáo buộc ông Trump đã cho đi quá nhiều trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng và đổi lại rất ít và nói rằng ông sẽ không gặp Kim Jong-Un nếu không có điều kiện tiên quyết.

Afghanistan và Israel

Ông Trump đã nói muốn rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan để chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ.

Vào tháng 2, chính quyền Trump đã đạt được một thỏa thuận với Taliban về việc cắt giảm lực lượng theo từng giai đoạn, nhưng nó phụ thuộc vào các điều kiện họp của nhóm phiến quân này. Các nhà đàm phán Afghanistan và Taliban đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên vào ngày 15-9. Trong khi đó, ông Biden tuyên bố sẽ đưa phần lớn quân đội Mỹ từ Afghanistan về nước và tập trung hạn chế nhiệm vụ ở đó vào việc chống lại Al-Qaeda và nhóm IS.

Giống như các tổng thống trước đây, ông Trump đã cam kết đảm bảo hòa bình giữa Israel và người Palestine. Nhưng, như trước đây, mục tiêu đó đã được chứng minh là khó nhằn. Chính quyền ông Trump đã chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem vào năm 2018, thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khiến người Palestine và những người ủng hộ họ tức giận. Năm sau, chính quyền chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan mà Tel Aviv chiếm được từ Syria vào năm 1967, đảo ngược chính sách lâu đời của Mỹ và khiến các nước khác khó chịu. Vào tháng 8, trong chiến thắng hiếm hoi của Mỹ trong khu vực, ông Trump đứng trung gian cho một thỏa thuận giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó cả hai đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Bahrain mới đây cùng đi theo UAE đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, động thái khiến Palestine tức giận và phản đối quyết liệt.

Ông Biden hoan nghênh các thỏa thuận và cho biết nếu được bầu, ông sẽ "tận dụng các mối quan hệ đang ngày càng gia tăng này để tiến tới một giải pháp hai nhà nước" ở Trung Đông.

Các liên minh

Ông Biden tuyên bố sẽ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris và củng cố các liên minh như NATO, những động thái mà ông cho rằng sẽ giúp củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Tổng thống Trump đã khiến các thành viên NATO và các đồng minh khác của Mỹ tức giận khi lần lượt rút khỏi nhiều thỏa thuận quan trọng. Vào tháng 6, ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ giảm quân số Mỹ ở Đức khoảng 9.500 người, dẫn đến làn sóng chỉ trích từ các đảng viên Dân chủ và các thành viên Cộng hòa, những người cho rằng liên minh Mỹ-Đức giúp chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Các trợ lý chiến dịch của Biden nói rằng họ đang gặp rắc rối với động thái này, và nhấn mạnh, ông Biden sẽ xem xét lại vấn đề nếu lên nắm quyền.

KHẢ ANH