Sử thi Bahnar Kriêm
Thiếu nữ dân tộc Bahnar Kriêm. |
Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) và gia đình cố nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) Hà Giao thực hiện, phát hành sách "Sử thi Bahnar Kriêm". Đây là công trình thuộc Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam" của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. "Sử thi Bahnar Kriêm" gồm các sử thi: Dyông Knoa, Hai chị em Dyông, Dyông Kman, Bya Phu và Đăm Kop, Đăm Dyông... Theo tác giả Hà Giao, người Bahnar hiện sinh sống chủ yếu từ Bình Định đến Đắk Lắk và có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo nhóm địa phương, như: Gơlơng, Tôlô, Gơlai, Kriêm... Trong đó, người Bahnar Kriêm chủ yếu sinh sống ở địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Đáng lưu ý, người Bahnar có một nền văn hóa khá đặc sắc, đồng thời, mỗi nhóm địa phương lại có những sắc thái văn hóa riêng, trong đó có nhiều loại hình: kiến trúc, âm nhạc, hoa văn, văn hóa dân gian...
Riêng về văn hóa dân gian, theo Hà Giao, người Bahnar Kriêm còn lưu giữ một mảng khá lớn là hơamon (tức sử thi), với hàng chục bản sử thi độc đáo. Nội dung cốt lõi của các sử thi là sự khẳng định cái thiện, cuộc đấu tranh với cái ác và chiến thắng của cái thiện. Hai sử thi Dyông Knoa và Dyông Kman là câu chuyện về những chàng trai cùng tên, dũng cảm, tài ba, điển hình cho nội dung cốt lõi của sử thi. Đây cũng là 2 bản sử thi có nhiều tình tiết kỳ lạ, chưa thấy ở bản sử thi nào khác.
V.H