Sự trỗi dậy của Indonesia và vị thế Đông Nam Á

Thứ hai, 14/04/2014 11:15

(Cadn.com.vn) - Triển vọng phát triển kinh tế của Indonesia đang rất mạnh mẽ. Điều này có nghĩa gì đối với khu vực?

Nền kinh tế Indonesia đang phát triển. Kể từ sau khi khủng hoảng tài chính Châu Á, Jakarta rút ra được nhiều bài học, bắt tay cải cách chính trị và thực hiện những bước tiến kinh tế, từ đó tạo nền tảng phát triển cho đất nước lớn nhất Đông Nam Á. Tuy vẫn còn tham nhũng, thiếu hụt cơ sở hạ tầng và bất bình đẳng, nhưng nhìn chung, quỹ đạo kinh tế của Indonesia đi đúng hướng.

Tăng trưởng nhanh

Kể từ khi chuyển giao thế kỷ, Indonesia là một trong những nền kinh tế phát triển tốt nhất và phù hợp nhất thế giới.

Từ năm 2001, mức tăng trưởng đạt trung bình 5,4%, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, bất chấp những cú sốc suy thoái tài chính. Sự tăng trưởng đó tạo điều kiện giảm nợ chính phủ, từ 95,1% GDP trong năm 2000 xuống còn 26% hiện nay, mức thấp nhất trong số các nước thành viên ASEAN.

Từ nền kinh tế lớn 27 thế giới vào năm 2000 (dựa trên GDP), Indonesia có bước nhảy vọt ấn tượng lên vị trí 16 chỉ trong 15 năm. Theo báo cáo của Viện McKinsey Global, Indonesia được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030, vượt Anh, Đức, và vượt lên vị trí thứ 4 vào năm 2040 (theo báo cáo của Citibank) chỉ sau Trung, Ấn và Mỹ.

Không có gì nghi ngờ rằng, Jakarta đang được hưởng lợi từ chính sách tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và từ dân số trẻ. Điều này sẽ đảm bảo vốn, công nghệ và nhu cầu tại thị trường Indonesia. Trong khi đó, dân số trẻ sẽ đảm bảo lực lượng lao động vững chắc.

Tăng chi tiêu quốc phòng

Những tác động của tăng trưởng kinh tế Indonesia đến khu vực sẽ rất lớn. Một nền kinh tế lớn hơn và mạnh mẽ hơn có nghĩa là chi tiêu quốc phòng sẽ tiếp tục tăng. Indonesia hiện đang chi ít hơn 1% GDP cho quốc phòng, khoảng 8 tỷ USD/năm. Trong khi đó, ngân sách quân sự của Singapore là 12 tỷ USD, hơn 4%GDP, và Australia dành 26 tỷ USD.

Indonesia tụt sau các nước láng giềng, song tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo điều kiện cho Jakarta tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Indonesia nỗ lực tăng chi tiêu lên 1,5% GDP vào năm 2015, tương đương  14 tỷ USD. Dù mục tiêu này sẽ không được đáp ứng vào năm tới, ít nhất, nó chứng tỏ tiềm năng quân sự của Indonesia và thiết lập chuẩn mực chi tiêu.

Phần lớn ngân sách quốc phòng, đặc biệt là 15 tỷ USD công bố trong năm 2010, sẽ được phân bổ để mua sắm thiết bị và hiện đại hóa, trong đó có 10 phi đội máy bay chiến đấu, 274 tàu và hàng chục tàu ngầm vào năm 2024 - một bước nhảy vọt đáng kể từ khả năng quân sự hiện tại của Indonesia, ngay cả khi các mục tiêu này dường như không hoàn toàn thực tế. Jakarta cũng đang đặt hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và Su-35, hệ thống phòng không tiên tiến từ Thales, máy bay trực thăng chiến đấu Boeing AH-64 Apache Longbow và hơn hàng trăm xe tăng Leopard của Đức nổi tiếng thế giới.

Kinh tế phát triển là điều kiện cho Indonesia tăng ngân sách quốc phòng. Ảnh: Diplomat

Cân bằng sức mạnh khu vực

Trọng lượng của Indonesia và tầm quan trọng của nước này trong việc cân bằng sức mạnh khu vực cũng tăng lên, đặc biệt là đối với Mỹ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang thiết lập một kỷ nguyên đối đầu chiến lược trên toàn khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, ảnh hưởng của Jakarta càng trở nên hấp dẫn hơn. Đối với Mỹ, hợp tác an ninh và kinh tế với Indonesia giúp tăng cường và thống nhất một nhóm các quốc gia - gồm Nhật Philippines và Ấn Độ - nhằm cảnh giác với sự trỗi dậy và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tuyên bố gần đây của Trung Quốc đối với vùng biển Natuna, vốn là một phần quần đảo Riau của Indonesia, sẽ khiến một số hoạch định chính sách Jakarta nghiêng về phía Washington chống lại những tuyên bố vô lý của Trung Quốc ở biển Đông.

Tuy nhiên, Indonesia vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại "tự do và năng động". Trái với sự thụ động trong Chiến tranh Lạnh, Indonesia ngày càng thể hiện vai trò nổi bật trong khu vực và thế giới. Do đó, Jakarta sẽ tìm kiếm sự thịnh vượng và hợp tác bình đẳng với cả Mỹ và Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của Indonesia cũng sẽ vượt ra ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo cam kết gần đây với các chương trình Trung Đông, Indonesia ngày càng thấy mình là  diễn viên quan trọng trong thế giới Hồi giáo.

Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ mở đường cho sự thay đổi địa chính trị quan trọng.

An Bình

(Theo Diplomat)