Sữa & gas gây sốc

Thứ tư, 04/12/2013 11:11

(Cadn.com.vn) - Người ta nói vui nhưng chua chát, thị trường cuối năm nay có phần im ắng hơn mọi năm đã được “kích hoạt” bằng cú “sốc” vì giá gas tăng vọt và chút “tẽn tò” của người tiêu dùng khi “ngộ” ra rằng, hóa ra từ trước đến giờ toàn uống sữa “tươi” pha lại lẫn sữa giả mạo giấy tờ nguồn gốc để nhập khẩu. Những ngày này, 2 mặt hàng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận là gas và sữa. Tất nhiên, nó cũng là chủ đề “nóng” tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 2-12.

GAS - TĂNG THEO THẾ GIỚI?

Cú sốc giá gas trong nước đã tăng khoảng 70.000- 80.000 đồng/bình 12kg, khiến 1 bình gas có giá cao kỷ lục từ 475.000 - 485.000 đồng.Việc gas tăng lên mức giá quá cao đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc và cho rằng giá gas tăng do trong nước ém hàng, thao túng giá.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Chiến - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương phân tích: “Ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh cũng thấy rất khó khăn. Nếu với giá gas cao như thế, người tiêu dùng có thể quay lại dùng các chất đốt, nhiên liệu khác thay thế như củi, điện...”. Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng giá gas trong nước tăng chủ yếu do giá thế giới tăng và để giảm giá, cần giảm thuế gas từ 5% xuống 0%. Theo đó, nếu việc giảm giá gas về 0% thì giá gas sẽ giảm đi khoảng 20.000 đồng/bình.

Theo dự báo, giá gas thế giới dự kiến tiếp tục tăng do thời điểm này mới bắt đầu vào mùa đông, nhu cầu sử dụng gas của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ còn tăng mạnh. Nếu tiếp tục để giá gas trong nước chịu chi phối mạnh của thị trường thế giới thì giá gas sẽ còn có thể tăng mạnh, khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ gas sẽ chịu thiệt nặng.

Câu hỏi đặt ra là có hợp lý không? Hiện 50% lượng gas do trong nước sản xuất và phải nhập khẩu 50% còn lại, liệu giá gas trong nước có thực sự chịu chi phối của thị trường thế giới lớn đến vậy? Hơn nữa, giá gas thế giới tăng lên vào tháng 12, khi doanh nghiệp trong nước chưa hề có hợp đồng theo giá mới thì việc ngay lập tức tăng giá gas như trên có hợp lý?

 

“TẼN TÒ” VỚI SỮA TƯƠI

Trước hết, đó là vụ việc hãng sữa Abbott tố cáo Cty TNHH Đầu tư Phát triển Song Nam (32-Phan Đình Giót, Q. Tân Bình, TP HCM) giả mạo giấy tờ để nhập sữa Ensure. Theo giấy tờ thì Cty Song Nam nhập khẩu sữa Ensure chính hãng từ DN có tên East West Trading Partners - Abbott Park, trụ sở tại bang Illinois, Mỹ. Tuy nhiên, theo Abbott, những giấy tờ xác nhận này đều là giả mạo và tại bang Illinois cũng không hề có bất cứ DN nào mang tên East West Trading Partners - Abbott Park. Tất nhiên, câu trả lời là: Hiện Bộ Công Thương đang điều tra!

Cũng trong cuộc họp, vấn đề “nhập nhèm” giữa sữa tươi và sữa pha lại (hoàn nguyên) mà nguyên nhân chính là nguồn sữa tươi nguyên liệu tại Việt Nam quá ít, không đáp ứng được nhu cầu. Theo Vụ phó vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, hiện lượng sữa tươi chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu. Theo quy hoạch, đến năm 2015 sữa tươi để sản xuất sữa nước sẽ đáp ứng được 35%. Như vậy, thêm 2 năm nữa thì lượng sữa tươi nguyên liệu cũng mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu, còn 65% “sữa tươi” bán trên thị trường vẫn chỉ là sữa pha lại. Người tiêu dùng Việt vẫn phải chịu cảnh trả tiền mua sữa tươi nhưng đương nhiên sữa không hề tươi không biết bao giờ mới chấm dứt.

Cũng liên quan đến sữa, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các DN không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Trên cơ sở quy định của Bộ Y tế về sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục quản lý giá theo quy định của Luật giá, Bộ Tài chính yêu cầu sở tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 13376/BTC-QLG về việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định.

Câu trả lời vẫn là: xem xét lại và thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra!

Bài, ảnh: Nhật Minh