Sức cuốn hút của tranh biện

Thứ ba, 07/10/2014 09:02

(Cadn.com.vn) - Vừa qua, lần đầu tiên tại miền Trung đã diễn ra Cuộc thi tranh biện miền Trung do Chương trình giáo dục tranh biện và tư duy phản biện Việt Nam (Vietnam Youth to Debate- Y2D) phối hợp với Trường Giáo dục quốc tế iYes tổ chức dành cho sinh viên các trường đại học. Hiểu nôm na thì thi tranh biện giống như một cuộc "cãi nhau", nhưng là "cãi nhau" có nghệ thuật, có kiến thức, có trí tuệ và người thua hay thắng cũng đều được lợi. 18 đội tới từ các trường đại học trong khu vực đã thi tranh biện thông qua các chủ đề Ban tổ chức đưa ra. Để "cãi nhau" có trí tuệ, các bạn SV phải thực sự am hiểu sâu rộng về các lĩnh vực liên quan đến chủ đề.

Chẳng hạn với chủ đề xuyên suốt trong vòng loại khu vực miền Trung là "Giới tính không nên là tiêu chí tuyển dụng", các bạn sinh viên phải trang bị rất nhiều thông tin liên quan, đưa ra các lập luận sắc bén để bảo vệ chính kiến của mình, phản bác quan điểm của đối phương, tranh luận, phản biện gay gắt để đối phương phải đuối lý và tâm phục khẩu phục. Với mỗi chủ đề, một đội sẽ bảo vệ cho quan điểm đó, đội kia phản bác lại. Điều này giống như một cuộc đấu trí tuệ đầy tính cạnh tranh, qua đó giúp các bạn sinh viên rèn luyện được những kỹ năng cần thiết như khả năng tư duy, tranh luận, giao tiếp, làm việc nhóm, thái độ cởi mở, bớt phán xét...

Trận chung kết khu vực miền Trung với chủ đề "Trợ cấp thất nghiệp có lợi hay hại" diễn ra căng thẳng giữa đội Time Value và B2KT.

Hoài Thương- ĐH Sư phạm Đà Nẵng, thành viên đội Trạm kết nối chia sẻ: "Trước khi tới với cuộc thi, mình nghĩ đơn giản giống như hai bên cãi nhau  để bảo vệ quan điểm riêng, nhưng khi tiếp cận thì mình thấy nó thú vị hơn nhiều, đối thủ của mình đã thể hiện quan điểm, dẫn chứng rất sáng tạo, nói chung là mình thua nhưng rất phục". 

Có chứng kiến cuộc thi với những trận đấu căng thẳng mới hiểu được sức cuốn hút tuyệt vời của tranh biện. Nhiều sinh viên đã không ngần ngại chia sẻ cảm xúc thật của mình trong những trang nhật ký được lưu lại cuộc thi. Một sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: "Thời học sinh phổ thông, tôi luôn là một học trò "ngoan ngoãn" chỉ biết nghe và hiểu những điều thầy cô nói, tất nhiên tôi được giấy khen, được công nhận là học sinh giỏi.

Tôi đã thi đậu vào đại học, nhưng cùng với đó là khả năng tư duy phản biện lại yếu dần đi và biến mất. Tôi trở thành một người luôn lúng túng trong cuộc sống, quên mất cách cân nhắc để đưa ra những lựa chọn chính xác cho bản thân và phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn của người khác. Nhưng đến với cuộc thi, tôi đã tìm được khả năng tư duy phản biện của mình, tôi biết chấp nhận quan điểm thuyết phục của người khác và tôi thấy mình "cao lớn" hơn".

Một thành viên của đội Bóng đèn viết: "Tranh biện- tham gia cuộc thi để hoàn thành kỹ năng cho bản thân và công việc, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm mới". Còn đây là tâm sự của thành viên đội "Cỏ 4 lá": "Dù thua cuộc nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì đã học được nhiều kỹ năng, nhiều trải nghiệm thú vị khi phải đứng trên nhiều quan điểm để tranh biện về một chủ đề. Chợt nhận ra trong cuộc sống chúng ta phải luôn tranh biện. Tranh biện góp phần cải thiện bản thân, cải thiện những sai sót, yếu kém do chủ quan của chính mình, nó sẽ theo ta suốt hành trình sống và làm việc".

Bà Vũ Mỹ Hạnh- Giám khảo cuộc thi Tranh biện miền Trung cho biết, các thí sinh miền Trung bên ngoài trông có vẻ rụt rè nhưng khi thi đấu đã thể hiện nhiều ý tưởng độc đáo. Với thách thức từ nhiều kênh thông tin, các em phải lựa chọn, trang bị kiến thức đa chiều để sử dụng nó như một thứ vũ khí sắc bén khi thi đấu.

Qua cuộc thi, các em sinh viên được rèn luyện tư duy phản biện, hình thành quan điểm từ các thông tin đồng thời với đó là thái độ trong đối thoại với người khác, biết tôn trọng, lắng nghe và thừa nhận những quan điểm trái chiều nhưng thuyết phục. Cũng theo bà Hạnh, ở nhiều nước, tranh biện là hoạt động bình thường trong xã hội chứ không riêng trong trường học, song ở Việt Nam mình tranh biện tuy nhu cầu lớn nhưng việc định hướng để đưa ra được các giá trị còn khiêm tốn. Tại Hà Nội, tranh biện đã đưa vào hoạt động ngoại khóa trong nhiều trường học.

Hải Quỳnh