Sức mạnh tiếng nói chung

Thứ hai, 21/03/2016 08:58

(Cadn.com.vn) - Bắt đầu từ ngày 20-3, thỏa thuận bước ngoặt giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đã chính thức có hiệu lực.

Theo thỏa thuận, tất cả những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp từ nửa đêm ngày 20-3 sẽ bị gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không xin tị nạn hoặc yêu cầu của họ bị từ chối. Với mỗi người di cư được đưa từ Hy Lạp trở lại, EU sẽ tiếp nhận một người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này được cho là sẽ khiến người di cư không còn hy vọng cho những cuộc hành trình nguy hiểm bằng đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Đổi lại, Ankara sẽ nhận được viện trợ và các nhượng bộ chính trị.

Nhiều quốc gia hoan nghênh thỏa thuận này, cho rằng, việc EU và Ankara cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề gây đau đầu này sẽ giúp ngọn lửa khủng hoảng nhanh chóng được dập tắt. Họ cho rằng, dù chắc chắn thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và những thách thức về pháp lý nhưng thực tế cho thấy nó tạo ra một động lực không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc thực hiện các thỏa thuận, bao gồm cách mà người di cư bị gửi trở lại. Nhiều người cho rằng, thỏa thuận này buộc người di cư bắt đầu sử dụng các tuyến đường khác đến Châu Âu và có khả năng nguy hiểm hơn, chẳng hạn như cuộc hành trình giữa Bắc Phi và Italia. Bản thân Hy Lạp – quốc gia ở giữa thỏa thuận này – cho biết, việc thực thi ngay thỏa thuận này sẽ không khả thi bởi hiện nay dòng người di cư qua các hòn đảo của Hy Lạp tăng mạnh trước thời hạn chót ngày 20-3. Khoảng 1.500 người vượt qua biển Aegean đến các hòn đảo của Hy Lạp hôm 18-3, cao hơn gấp đôi số ngày hôm trước. Và, chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận có hiệu lực, một bé gái 4 tháng tuổi bị chết đuối khi một chiếc tàu chở người di cư bị chìm ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, theo thỏa thuận, khoảng 2.300 chuyên gia, gồm các quan chức an ninh và di cư cùng thông dịch viên, sẽ được điều đến Hy Lạp để giúp thực thi thỏa thuận này. Tuy nhiên, các quan chức Hy Lạp cho biết hiện chưa có chuyên gia nào đến và thỏa thuận không thể được thực hiện ngay lập tức khi có nhiều chi tiết quan trọng vẫn cần phải được làm rõ. “Một kế hoạch như thế này không thể được đưa ra chỉ trong 24 giờ”, phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Giorgos Kyritsis khẳng định.

Trong khi đó, hàng chục ngàn người xuống đường trên khắp các thành phố ở các nước Châu Âu, chống lại thỏa thuận này.  Tại các đường phố ở Athens, London, Barcelona, Amsterdam, Vienna và một số thành phố khác của Thụy Sĩ, hàng ngàn người đã tham gia các cuộc tuần hành phản đối việc vội vàng triển khai các biện pháp cần thiết để thực thi thỏa thuận vừa được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-3.

Kể từ tháng 1-2015, hơn 1 triệu người di cư vào Châu Âu bằng thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Hầu hết trong số họ đều mong muốn đến Đức và các nước quốc gia Bắc Âu giàu có. Nhưng hiện nay hàng chục ngàn người đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp khi lộ trình đi về phía bắc của họ đã bị chặn.

Thanh Văn