Sức nóng từ “tối hậu thư”

Thứ bảy, 19/05/2018 11:24

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18-5 đã đặt ra một “lựa chọn tuyệt đối” cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng tới: hoặc từ bỏ vũ khí hạt nhân và được “thưởng” bằng việc “bảo đảm an ninh”; hoặc đứng trước nguy cơ bị lật đổ nếu kho vũ khí vẫn còn.

Những tuyên bố kiểu “tối hậu thư” của ông Trump như vậy thật sự rất khó nghe đối với Triều Tiên và chắc chắn Bình Nhưỡng cũng khó mà nghe theo. Nhưng tạm gác tính đến vấn đề này, “tối hậu thư” này cho thấy rằng, Tổng thống Trump đang cố gắng duy trì sức sống cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo hủy bỏ bàn hội đàm cấp cao lịch sử này nếu Washington khăng khăng đòi họ từ bỏ chương trình hạt nhân.

Triều Tiên khẳng định, họ cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh và bày tỏ lo ngại về việc bị ép buộc từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Bình Nhưỡng trích dẫn minh chứng về cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, người đã từ bỏ chương trình hạt nhân vào những năm 2000 và sau đó đã chết dưới bàn tay của các lực lượng phiến quân trong một cuộc nổi dậy vào tháng 10-2011.

Cố gắng giải quyết các mối quan ngại của Triều Tiên, Tổng thống Trump nói rằng, nếu ông Kim Jong-un đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, “ông sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh mạnh nhất”. Và ông Trump cảnh báo, thất bại trong việc thực hiện một thỏa thuận có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho chính quyền ông Kim Jong-un. Đề cập đến những gì đã xảy ra ở Libya, ông Trump trấn an Bình Nhưỡng rằng, Mỹ sẽ không áp dụng mô hình Libya cho phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Nhưng cách xử lý của ông Trump vẫn không được cho là khôn khéo trong tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang vướng chỉ trích là không chuẩn bị đầy đủ cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Mặc dù thời gian chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, các trợ lý cho biết, Tổng thống Trump không dành thời gian trong chương trình làm việc để chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này.

Khó khăn đang đặt ra là cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử diễn ra vào thời điểm khó đoán định đối với bán đảo Triều Tiên, khi Bình Nhưỡng không chỉ thông báo hủy hội đàm liên Triều cấp cao trong ngày 16-5, mà còn tuyên bố sẽ xem xét lại cuộc gặp thượng đỉnh với Washington. Giọng điệu thay đổi bất ngờ này, vốn được dự đoán trước, nhưng cũng đã “dội gáo nước lạnh” vào không khí đang ấm dần lên ở bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, giờ đây, tầm quan trọng và sự cấp thiết trong công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, lại đang nhường chỗ cho mối quan ngại liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thành công hay không.

THANH VĂN