Suy ngẫm dưới trăng

Thứ tư, 05/01/2022 18:06

Lê Trường An là cây bút không chuyên, điều ấy có thể đúng cũng có thể không, bởi đơn giản anh là một kiến trúc sư, tuổi đời năm nay vừa tròn tứ thập. Nhưng rồi có hề chi khi tiếp sau tập thơ đầu tay "Thanh âm mùa", An lại cho ra đời tập tản văn "Suy ngẫm dưới trăng" (NXB Đà Nẵng) ngót ngét trên 200 trang. Nói như nhà văn, tiến sĩ Mai Bá Ấn trong lời đề tựa tập sách: "Đối với nhà văn chuyên nghiệp viết văn là một nghề, nhưng đối với kiến trúc sư Lê Trường An, viết văn lại là duyên nghiệp… duyên đã khởi, dặm đường hòa duyên hãy còn dài". 

Ảnh bìa tản văn "Suy ngẫm dưới trăng" của Lê Trường An, NXB Đà Nẵng.

Song có một điều, khi đọc những tản văn của An, tôi thật sự trân quý cái tình của tác giả với cuộc đời, trước hết là với những gì thân thuộc nhất, những người thân yêu trong gia đình, thầy cô, bạn bè rồi những kỷ niệm, những ký ức như những mảnh ghép để làm nên tuổi thơ của mỗi một con người. Đó là những thường nhật trong cuộc sống hằng ngày vẫn trôi đi, biến chuyển nhưng qua góc nhìn của An nó lắng lại làm nên chất suy tư, buộc ta phải ngẫm ngợi, trân quý những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng vô hình chung nó đã là triết lý của lẽ sống, nói một cách hình ảnh, đó là cuộc hòa duyên giữa "tha nhân" và "tự ngã" (câu chữ của nhà văn Mai Bá Ấn).

Cũng chẳng có gì cao siêu xa lạ, mỗi tản văn của An là một câu chuyện hay nói đúng hơn là lát cắt của một câu chuyện mà ở đó An là người trong cuộc, đã chứng nghiệm, đã sống, đã đi qua và suy ngẫm. Chuyện của An nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người đồng cảm bởi nó gần gũi trong các mối quan hệ nhất là nhịp sống đang ngày một hối hả hơn trong xã hội hiện tại.

An kể như là đang trò chuyện cùng bè bạn về mẹ của mình nhưng đó là lần kể đầu tiên khi tác giả nhận ra những tình cảm, suy nghĩ cũng là đầu tiên của mình đối với mẹ. "Khi có gia đình, tôi lại dành gần hết thời gian cho công việc, cho mái ấm của mình, cho bao nhiêu mối quan hệ ngoài xã hội. Mẹ chỉ có mong muốn nhỏ nhoi là cuối tuần tôi chở con cháu về quê thăm mẹ. Nhưng rồi mong muốn ấy của mẹ tôi cũng không được thường xuyên… cho đến khi tôi có việc phải xa con vài ngày, nỗi nhớ con cồn cào đến mức không chịu được, lúc giờ tôi mới hiểu được nỗi nhớ con mà mẹ đã chịu suốt mấy mươi năm nay. Tôi chỉ hiểu được cái điều đơn giản ấy khi tôi đã là cha của hai đứa trẻ và mẹ tôi cũng đã ngoài 60 rồi" (Lòng mẹ bao la…).

Hay vào một đêm khuya, rất khuya, tác giả đang thiêm thiếp ngủ thì nghe mẹ gọi ba dậy mở cửa, nấu nước, chuẩn bị việc này việc nọ, cứ ngỡ trời sắp sáng vì lâu nay đồng hồ sinh học của mẹ là vậy. Nhìn đồng hồ mới có hai giờ sáng, mới hay mẹ ngủ mê nói mớ. Và điều suy ngẫm của tác giả cũng chính là tình cảm của một người con đối với mẹ mình "Sao mẹ không mơ điều gì tốt đẹp cho mẹ mà chỉ lo công việc nhà? Tôi lặng nhìn mẹ và chợt nhận ra cả đời mẹ chỉ lo cho nhà cửa, chồng con, cháu chắt…càng nghĩ tôi càng thương mẹ vô cùng".

"Gần một đời của mẹ đi qua là vậy, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, lật những trang sách bay rột roạt. Có những trang vui, những trang buồn và chính cuộc đời của tôi cũng là những trang nằm trong cuốn sách của mẹ"; "Con là tất cả cuộc đời của mẹ nhưng mẹ không thể nào là tất cả cuộc đời của con được"... Tôi cứ đọc đi đọc lại câu này mà liên tưởng cái triết lý "nước mắt chảy xuôi", "phía ướt mẹ nằm phía ráo con lăn…" mà nghẹn đắng lòng mình khi nghĩ về mẹ của tôi, những người mẹ trên cuộc đời này…

Có gì to tát lớn lao đâu, An yêu con gái mình từ những điều nhỏ nhặt. "Ba rất tự hào khi ba và con vào quán giải khát, mỗi lần cô chú phục vụ mang ly nước ra hay mang thêm cho con một cái gì đó, con đều nói lời cảm ơn..." (Yêu con từ những điều nhỏ nhặt).

Đó còn là khoảng trống về chiếc giường của nội, câu hỏi han của ngoại khi chưa vãn mỗi lúc sang nhà "Thằng An bao giờ nó về vậy con", đó là khung cửa sổ trên căn gác có nhành vú sữa và giấc mơ thấp thoáng những câu chuyện cổ tích và cũng bàng bạc thế sự "Với những cái đầu thấm đẫm văn chương, thì trăng là cái liềm vàng giữa đống sao, trăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời, trăng tỏa mộng xuống trần gian, trăng tuôn suối mát để những tâm hồn khát khao ngụp lặn. Còn với những tâm hồn cằn cỗi thì trăng chỉ để… ngồi ngoài hiên đỡ phải bật điện mà thôi" (Suy ngẫm dưới trăng).

Cùng với những tản văn đầy cảm xúc khi viết về người thân, tập sách còn có những tản văn viết về sự vật xung quanh, những người thân của gia đình và những con người bên ngoài xã hội, đặc biệt là những số phận hẩm hiu, cô lẻ như "Chuyện bà cụ già ở quê", "chuyện về em bé đáng thương"… để rồi tác giả nhận ra "có lẽ không nơi đâu trên trái đất này mà mật độ yêu thương có nhiều như ở bệnh viện, nơi mà mọi người đều sống trong nỗi khốn khó và đau khổ nhưng người ta vẫn tìm thấy ở đó niềm hạnh phúc vì nơi đó có sự đồng cảm, sự chia sẻ và lòng yêu thương". Cũng vì vậy cho nên tác giả "Tôi đến bệnh viện thăm người thân/ Chưa kịp thăm người thân tôi đã thăm những người xa lạ khác/Nước mắt nào không thấm đời mặn chát/ Trái tim nào không đập nỗi yêu thương".

Và trong cuộc đời nhiều khi rất xô bồ này vẫn còn đó những điều tốt đẹp, tình yêu thương mà con người dành cho nhau, dẫu chưa lần quen biết. Chỉ điều này thôi đã đáng quý biết bao. Trong tản văn "Lập thân tối hạ thị văn chương", Lê Trường An đúc rút ra một điều cũng đáng để suy ngẫm "Mục đích cao nhất của văn chương là giúp con người hướng đến chân, thiện, mỹ. Mà muốn được như vậy, trước hết, tôi cần một sự thỏa mái khi tiếp xúc văn chương. Tôi không cần phải là nhà thơ thì tôi mới được viết nên câu gì đấy và tôi cũng không cần phải là nhà gì đấy để có thể đọc được thơ anh. Nếu cùng có một tấm lòng chân thật, chúng ta sẽ gặp nhau".

Võ Văn Trường

Tam Kỳ đêm 4-1-2022