Syria trên bàn hội đàm Nga – Iran

Thứ năm, 02/11/2017 09:31

Cuộc khủng hoảng Syria, dầu mỏ là những trọng tâm ưu tiên chương trình nghị sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du đến Iran lần này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ người đồng cấp Hassan Rouhani
tại Điện Kremlin hồi tháng 3. 
    Ảnh: EPA

Ngày 1-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Iran nhằm thảo luận về quan hệ song phương và tình hình tại khu vực Trung Đông vốn chưa bao giờ yên ả.

Reuters dẫn tuyên bố của Điện Kremlin cho hay, Tổng thống Putin tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria, hợp tác năng lượng với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia Hồi giáo này, ông Ayatollah Ali Khamenei. “Các vấn đề liên quan đến Syria sẽ nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên số 1”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp với các phóng viên. Người phát ngôn trên cho biết thêm, Tổng thống Putin cũng tổ chức đối thoại 3 bên với Tổng thống Rouhani và Tổng thống Azerbaijan lham Aliyev.

Trong khi đó, theo ông Afife Abedi, chuyên gia tại Trung tâm khoa học nghiên cứu chiến lược Iran, vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm lần này sẽ là phối hợp ngăn chặn ý định của Mỹ tại Trung Đông cũng như chính sách bành trướng của nước này tại Syria và Iraq. Ông Abedi nhận định, Mỹ tiếp tục thực hiện “các chính sách phá hoại” tại Trung Đông, đặc biệt ở Syria, do đó, hợp tác song phương giữa Nga và Iran cần phải được tăng cường. Cũng theo chuyên gia này, Washingtono và đồng minh đang nỗ lực cản trở Moscow và Tehran tăng cường hợp tác tại khu vực.

Hợp tác kinh tế có thể sẽ là mục tiêu hàng đầu của chương trình nghị sự, cụ thể là hoàn thành tuyến đường sắt dọc theo hành lang vận tải Bắc-Nam chạy qua Iran và Azerbaijan và kết nối Nga với Ấn Độ. Ông Ahmad Vahshiteh, chuyên gia quan hệ Nga-Iran tin rằng, Tổng thống Putin sẽ chú trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước không chỉ trong lĩnh vực quân sự ở Syria mà còn trong quá trình tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Giới quan sát cho rằng, thông thường, cuộc gặp giữa lãnh đạo Iran và Nga chỉ là hình thức ngoại giao thường kỳ. Tuy nhiên, trong chuyến đi thực tế này, diễn ra sau khi nhóm cực đoan IS tại Syria và Iraq bị đẩy lùi và với sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực, các cuộc đàm phán giữa hai bên có thể sẽ định hình các sự kiện tương lai trong khu vực.

Ông Mostafa Khosh Cheshm, nhà phân tích chính trị tại Tehran và là người đứng đầu cơ quan thông tấn chính thức của FARS nhận định: “Người Nga giờ đây nhận ra rằng nếu cần một đối tác thực sự trong phần này của thế giới, đó là Iran”. Trên thực tế, với sự ủng hộ của quốc gia Hồi giáo này, các cuộc tấn công chống khủng bố của Nga ở Syria đã thành công. Các chuyên gia lo ngại, nó sẽ là một vũng lầy giống như Afghanistan, nhưng thay vào đó cho phép Nga tự định vị lại bằng ngoại giao và với hậu quả để lại cũng rất thấp. Những con số thống kê cho thấy, số thương vong của Nga rất ít, mặc dù Moscow đã tham chiến nhiều năm ở Syria. “Nga đã hồi sinh lại vai trò bị mất. Bây giờ họ trở thành một cường quốc trong khu vực Trung Đông”, ông Khosh Cheshm nói.

Đối với Iran, có một đồng minh có nhiều ảnh hưởng như Nga là giá trị chiến lược vô hạn. Đặc biệt, Nga là một đồng minh mà quốc gia Hồi giáo cảm thấy có thể tin tưởng.      Hai nước cũng đang thống trị kết quả các cuộc đàm phán ở Astana về hòa bình cho Syria. Một khuôn khổ cho hòa bình ở Syria sau chiến tranh chắc chắn sẽ mang hình dáng Nga và Iran.

Tổng thống Hassan Rouhani đã công khai tuyên bố thỏa thuận hạt nhân năm 2015 như một khởi đầu mới với Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận lịch sử này đang đứng trước nguy cơ chết yểu trong tay của Tổng thống Donald Trump. Và chính điều này đã đẩy Iran đến gần Nga hơn.

KHẢ ANH