Syria trước giờ G
(Cadn.com.vn) - Syria đang đối mặt với “ngày đặc biệt quan trọng” – thời điểm ngay trước thời hạn chót đưa ra cho một lệnh ngừng bắn mà Mỹ và Nga đã làm trung gian cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Cảnh hoang tàn do chiến tranh ở Jobar, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria. Ảnh: AFP |
Bắt đầu từ 0 giờ hôm nay (27-2), các phe phái ở Syria sẽ bắt đầu thực thi kế hoạch ngừng bắn mà Nga-Mỹ công bố. “Đây là một ngày rất quan trọng”, Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura nói với các phóng viên tại Genève, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, bóng ma ngờ vực vẫn đang ám ảnh thỏa thuận vốn đạt được rất khó khăn này.
Trong khi Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) - đại diện liên minh các nhóm đối lập chính ở Syria – tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn này để kiểm tra mức độ nghiêm túc của phía chính phủ Syria, chính quyền Tổng thống Assad xem đây là cơ hội để thử thách phe nổi dậy. Thực tế, dù chính phủ Tổng thống Bashar Al-Assad và nhóm đối lập hàng đầu của Syria cam kết tuân thủ kế hoạch ngừng bắn, kết quả thất bại của những thỏa thuận trước đó vẫn khiến người ta đầy hoài nghi.
Ngay trước thời điểm đình chiến quan trọng này, Syria vẫn chứng kiến các cuộc không kích và xung đột dữ dội. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cáo buộc các máy bay chiến đấu của Nga không kích dữ dội nhằm vào các thành trì của phe nổi dậy Syria, song Moscow bác bỏ. Điện Kremlin xác nhận chỉ không kích các tổ chức khủng bố ở Syria, trong đó nhắm mục tiêu chủ yếu vào IS – tuân thủ đúng lệnh ngừng bắn đưa ra. Trong khi đó, ở trên bộ, giao tranh vẫn tiếp diễn.
Mớ bòng bong trên chiến trường Syria - nơi phe nổi dậy ôn hòa thường xuyên chiến đấu bên cạnh các nhóm khủng bố cực đoan như IS, Al-Nusra - càng làm gia tăng những nghi ngại về khả năng thành công của lệnh ngừng bắn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ảnh hưởng quan trọng khi nước này vẫn kiên quyết “đứng ngoài” lệnh ngừng bắn này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cảnh báo, Ankara sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận ngừng bắn nếu an ninh quốc gia của họ bị đe dọa. Ankara cũng dọa sẽ đáp trả bất cứ vụ việc nào đe dọa đến an ninh quốc gia theo quy tắc giao chiến.
Nga-Mỹ đứng về hai chiến tuyến ở Syria, nhưng hai cường quốc vẫn bắt tay nhau thúc đẩy cho một thỏa thuận ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này. Cả hai thông báo về thời hạn chót mới cho lệnh ngừng bắn hôm 23-2 sau khi thời hạn chót trước đó đã qua mà không có bất kỳ thay đổi nào ở Syria. Thỏa thuận này đánh dấu thành quả ngoại giao lớn nhất nhằm giúp chấm dứt bạo lực tại Syria. Tuy nhiên, vấn đề khiến các bên lo ngại là thỏa thuận cho phép các hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt nhóm Hồi giáo IS và các thành viên Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qeada.
Dù vậy, mối lo phần nào giảm bớt khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để đảm bảo lệnh ngừng bắn được tuân thủ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nỗ lực kêu gọi các bên phải tuân thủ thỏa thuận. Theo ông chủ Nhà Trắng, việc đình chiến nếu thành công sẽ là bước đệm tiến đến chấm dứt bạo lực tại Syria. “Nếu trong vài tuần tới, bạo lực giảm... chúng ta sẽ có tiền đề cho một lệnh ngừng bắn lâu dài... và tiến đến quá trình chuyển đổi chính trị cần thiết để chấm dứt nội chiến”, ông Obama nói.
Moscow và Washington hôm 26-2 cũng đã đệ trình lên HĐBA LHQ dự thảo nghị quyết về ủng hộ quy chế ngừng bắn tại Syria. Các thành viên của nhóm 17 quốc gia ủng hộ tiến trình hòa bình của Syria, nhóm họp tại Genève trong ngày 26-2 để bàn thông tin chi tiết về thỏa thuận. Trong khi đó, HĐBA LHQ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 27-2 để xem xét thông qua văn kiện bước ngoặt này. Tất cả đang dẫn đến hy vọng, thỏa thuận ngừng bắn thành công sẽ giúp nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vốn bị “đánh sập” tại Genève hồi đầu tháng này, vốn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7-3 tới.
Khả Anh