Syria trước “gọng kìm” VKHH

Thứ bảy, 24/08/2013 13:31

(Cadn.com.vn) - Những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) ở Syria làm dấy lên lo ngại về khả năng can thiệp quân sự nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Cùng với việc những con số thương vong tăng lên mỗi ngày là cáo buộc sử dụng VKHH ở Syria, khiến người ta đặt câu hỏi liệu nó sẽ kích hoạt hành động can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây hay hủy diệt các nỗ lực chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Phe nào sử dụng VKHH?

Trong diễn biến mới nhất, phe nổi dậy đổ lỗi quân đội chính phủ sử dụng VKHH trong vụ tấn công hôm 21-8 ở Damascus, giết chết hơn 1.300 người. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Assad bác bỏ cáo buộc mà họ cho là một phần chiến dịch tuyên truyền “bẩn” chống lại Syria.

Những cáo buộc này được đưa ra trong bối cảnh một đoàn thanh tra LHQ đang có mặt ở Syria để điều tra việc phe nổi dậy sử dụng VKHH trong cuộc tấn công thị trấn Khan al-Asal hồi tháng 3. Hiện, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon yêu cầu chính phủ Syria cho phép các thanh sát viên LHQ đến khu vực được cho là nơi xảy ra vụ tấn công mới nhất ở Damascus. Ông Ban tuyên bố, hành động sử dụng VKHH ở Syria sẽ cấu thành “tội ác chống lại loài người”, đồng thời cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu những cáo buộc này được chứng thực.

Người thân than khóc bên những thi thể được cho là thiệt mạng vì VKHH. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Anis Naqqash, chuyên gia chính trị nổi tiếng ở Lebanon, mô tả những cáo buộc của phe nổi dậy như một “cơn lốc phương tiện truyền thông” và hoàn toàn không đúng sự thật. “Thật vô lý khi chính phủ Syria kêu gọi LHQ đến điều tra phe nổi dậy sử dụng VKHH lại sử dụng vũ khí như vậy”, ông Naqqash nhận định. Nga, Iran và Tòa thánh Vatican cũng kêu gọi cảnh giác về cáo buộc phe đối lập Syria cáo buộc sử dụng VKHH vì không thể đánh giá khi chưa có bằng chứng. Mỹ hiện tuyên bố vẫn chưa “xác định chắc chắn” rằng VKHH được sử dụng trong vụ tấn công mới nhất này hay chưa.

Ít có khả năng can thiệp quân sự

Chính quyền Obama, vốn đang đối mặt với áp lực chính trị ngày càng lớn đòi phải có phản ứng cứng rắn trước vấn đề này, từng tuyên bố việc chính quyền Syria sử dụng VKHH sẽ vượt qua “giới hạn đỏ” của Mỹ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có động thái phản hồi những thông tin về các cuộc tấn công bằng VKHH xảy ra trước đó.

Rõ ràng, cả Mỹ và các đồng minh NATO đều thể hiện cảm giác “không ngon miệng” với việc can thiệp quân sự ở Syria. Một số nhà phân tích cho rằng, các cường quốc phương Tây đang theo dõi chiến thuật “cuộc chiến tranh mềm” – tức là từng bước hỗ trợ phương tiện để quân nổi dậy tiêu diệt quân chính phủ từ trong ra ngoài mà không cần phải sa chân vào vũng lầy của cuộc chiến tranh khu vực có thể đe dọa Israel và kéo dài trong nhiều năm tới. Turki Hasan, một chuyên gia chính trị ở Syria, nói với Tân Hoa Xã rằng, hiện có 2 bên trong vấn đề Syria: các quốc gia muốn nhưng không thể can thiệp quân sự, chẳng hạn như các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan; và các quốc gia có thể, nhưng không muốn can thiệp, như Mỹ và NATO.

Mỹ không muốn hành động quân sự... bởi vì bất kỳ sự can thiệp nào ở Syria cũng đặt ra mối đe dọa cho nước này. Quân đội Mỹ có khả năng đưa ra khỏi lực lượng không quân chính phủ và thay đổi cán cân chiến tranh về phía phe nổi dậy, nhưng cách tiếp cận này sẽ đẩy Washington sâu vào cuộc chiến tranh không lối thoát.

Lu mờ giải pháp chính trị

Sau khi lên tiếng cáo buộc chính phủ Tổng thống Assad, Liên minh  Quốc gia Syria (SNC) kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ chứ không chỉ tuyên bố lên án.

Tại một cuộc họp báo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, SNC kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt vùng cấm bay trên Syria và thiết lập đường nhân đạo an toàn bên trong Syria để “giúp đỡ người dân”. SNC cũng cho rằng, những hành động của quân chính phủ đốt cháy “tất cả các nỗ lực chính trị và hòa bình”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, không thể có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng này. Cánh cửa duy nhất giúp Syria thoát khỏi địa ngục là đàm phán hòa bình. Đó là hai phe ở Syria cần ngồi lại với nhau ở một Hội nghị Quốc tế về Syria như Genève 2 do Nga - Mỹ “làm chủ” đã được lên kế hoạch.

Bởi lẽ, thất bại tại Genève 2 sẽ càng đẩy Syria vào vòng xoáy bạo lực có thể kéo dài ít nhất 10 năm. Hội nghị Genève 2, bị trì hoãn nhiều lần, là bước tiếp theo của Hội nghị Genève 1 diễn ra vào năm 2012, trong đó một lộ trình hòa bình được đặt ra cho Syria nhưng chưa bao giờ được hiện thực. Giới phân tích cho rằng, Hội nghị Genève 2 bị Mỹ và các đồng minh “cố tình trì hoãn” để đạt được sự cân bằng hơn trên mặt đất trước khi diễn ra các cuộc đàm phán “như vậy, vụ việc sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến hội nghị”.

Khả Anh