Tạ ơn rừng để giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn

Thứ bảy, 19/02/2022 19:34

Ông Bling Mia- Bí thư Huyện ủy Tây Giang cùng cán bộ Kiểm lâm khảo sát quần thể rừng lim ở xã Lăng, Tây Giang.

Trong hai ngày 16 và 17-2, huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức Lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ 5. Năm nay, do dịch COVID-19, lễ hội chỉ được tổ chức mang tính nội bộ ngay tại địa phương, nhưng vẫn rất trang trọng.

Đây là một lễ hội truyền thống của người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn có từ hàng nghìn năm trước. Trong những năm chiến tranh khốc liệt, lễ tạ ơn rừng dần bị mai một, quên lãng. Từ việc nghiên cứu lịch sử, hỏi ý kiến của các già làng, người cao tuổi, Huyện ủy và UBND huyện đã quyết định phục dựng Lễ hội khai năm tạ ơn rừng từ đầu năm 2018, nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, giữ rừng và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, cũng như góp phần phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bling Mia cho  biết, trên đất nước Việt Nam vẫn còn tồn tại những cánh rừng thiêng, trong đó có rừng pơ mu ở Tây Giang. Từ năm 2011, trên diện tích vùng lõi gần 500 ha, đã phát hiện hàng nghìn cây pơ mu,  đã có gần 1.500 cây pơ mu được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Hàng nghìn cây pơ mu cổ thụ đứng sừng sững, hiên ngang trong bão tố, thời gian, với tuổi đời hàng ngàn năm. Diện tích phân bố cây, số lượng cây, tuổi đời cây... đều vô cùng giá trị về mặt khoa học lâm sinh, môi trường, tự nhiên, xã hội và lịch sử. Còn tồn tại, lưu giữ được cánh rừng vô giá này là công lao to lớn của bao thế hệ đồng bào Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn ở Tây Giang. Họ đã giữ gìn, bảo vệ từ chính ý thức,  tâm nguyện “rừng là nhà, cây là con”. Góp phần làm đa dạng, phong phú cho hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên còn hiện hữu ở Tây Giang là nhiều quần thể rừng quý hiếm, như rừng Lim ở xã Lăng có diện tích 500ha, rừng Dổi ở Xắt, rừng Đỗ Quyên ở Klang... với các hệ động thực vật quý hiếm. 

Tự hào với những khu rừng quý giá đó, từ xa xưa, người Cơ Tu trên Trường Sơn đã có truyền thống hàng năm tổ chức Lễ hội khai năm tạ ơn rừng. Tuy nhiên, do chiến tranh, lễ hội đã bị mai một dần... Năm 2018, lần đầu tiên chính quyền huyện Tây Giang tổ chức phục dựng lại Lễ hội khai năm tạ ơn rừng, với ý nghĩa tạ ơn rừng, tạ ơn núi, sông, suối, cây cối, hoa màu, tạ ơn thần linh và Giàng. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng thiên tai bão lũ, dịch bệnh, lễ tạ ơn rừng vẫn được tổ chức nhưng với quy mô nhỏ, trong cộng đồng người Cơ Tu, với tâm niệm có rừng, có Giàng, có con người và muôn loài động thực vật sinh sống và phát triển dưới tán rừng thiên nhiên ban tặng... Theo phong tục xưa kia của người Cơ Tu, nếu đầu năm chưa khai hội tạ ơn rừng thì việc trao đổi buôn bán với bên ngoài, hay gieo giống cây trồng xuống đất chưa thể thực hiện được. Ý thức đó ăn sâu vào tiềm thức của người dân, suốt đời gắn bó với rừng với núi, sinh ra từ rừng, chết đi cũng về làm cát bụi cho rừng. Điều đó đã kết tinh thành truyền thống văn hóa cao đẹp của cộng đồng người Cơ Tu. Đây chính là tiềm năng và lợi thế để huyện Tây Giang bảo tồn, giữ gìn và tổ chức Lễ hội khai năm tạ ơn rừng với mục đích giữ rừng và bảo tồn văn hóa để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để rừng tiếp tục phát triển, đời sống người dân được nâng lên ổn định bền vững.

Trong niềm vui phấn khởi của ngày hội Lễ hội tạ ơn rừng, Già làng Hối Mia- người phụ trách công tác bảo vệ quần thể rừng pơ mu, hồ hởi tâm sự: “Người Cơ Tu yêu rừng như yêu nhà, thương rừng như thương con, rừng  sẽ tồn tại mãi cùng các thế hệ người Cơ Tu trên dải Trường Sơn...”. Bí thư Huyện ủy Bling Mia cũng cho biết thêm, huyện Tây Giang có hơn 80% là đồng bào Cơ Tu, sau gần 20 năm tái lập huyện, trên địa bàn chỉ xảy ra hơn 15 vụ việc xâm phạm vào đất rừng, 1 vụ khai thác rừng quy mô nhỏ từ năm 2012.  Đảng bộ và chính quyền huyện đã đưa ra chỉ tiêu phát triển rừng, nếu năm 2010 độ che phủ của rừng mới đạt 62%, đến  năm 2022 đã đạt hơn 70%. Hàng năm huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho nhân dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, hàng trăm ha rừng đã được trồng mới từ các dự án phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Phong trào giữ rừng, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng có thể nói là mạnh nhất tại các địa phương miền núi ở miền Trung-Tây Nguyên.  

HỒNG THANH