Tà Púc, khúc tráng ca thầm lặng

Thứ tư, 01/03/2023 11:01
Tháng 3 biên cương, thương nhớ lại thôi thúc hướng về núi Tà Púc (xã biên giới Hướng Phùng, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi vào năm 1978, tổ công tác gồm 5 cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên tuyến biên giới Việt - Lào. Có liệt sĩ đã tìm được thi hài trong dòng thác lũ, nhưng có liệt sĩ bị đất đá vùi lấp mãi nằm lại giữa rừng sâu, đại ngàn gần 45 năm qua. Mất mát, đau thương, cho đến hôm nay vẫn chất chứa bao ngậm ngùi, khắc khoải.
Ông Hồ Văn Thủy nâng niu những kỷ vật về em trai đã hy sinh dưới chân núi Tà Púc.
Ông Hồ Văn Thủy không nguôi nỗi nhớ về người em trai đã anh dũng hy sinh.

Năm 1975, Việt Nam và Lào giành được độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của mỗi nước được đặt ra cấp thiết.

Do mối quan hệ dân tộc, thân tộc, địa lý và mối quan hệ gắn bó với nhau qua các thời kỳ chiến tranh cách mạng nên biên giới 2 nước chưa được xác định. Để đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước, đường biên giới giữa Việt Nam và Lào cần phải được hoạch định, cắm mốc. Điều đó cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước, phù hợp với luật pháp và công ước Quốc tế. Năm 1977, tại thành phố Vientiane (Lào), hai nước ký toàn văn Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia. Theo Hiệp ước, tỉnh Bình Trị Thiên được Trung ương chọn làm đơn vị thí điểm phân giới cắm mốc để rút kinh nghiệm cho toàn tuyến. Công việc tiến hành trên vùng rừng núi Bình Trị Thiên gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm do địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Để chuẩn bị trước một bước, tỉnh quyết định tiến hành khảo sát khu vực bắc đường 14. Các tổ công tác nhận nhiệm vụ có đội khảo sát gồm có 5 đồng chí gồm: Đại úy Võ Cán (1937, quê Phú Hải, Đồng Hới, Quảng Bình) - cán bộ Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang; Đại úy Nguyễn Văn Tăng (1933, quê Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình)- Đồn trưởng Đồn Biên phòng (ĐBP) Lao Bảo; Thượng sĩ Hồ Văn Trường (1954, quê Vĩnh Ô, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) - ĐBP Sen Bụt (nay là ĐBP Hướng Phùng); Thượng sĩ Châu Văn Dung (quê TP Huế) - nhân viên bản đồ, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bình Trị Thiên và kỹ sư Lê Doãn Tường thuộc Cục Đo đạc bản đồ Trung ương. Trong nhiệm vụ đó, tổ công tác băng rừng lên núi phúc tra tọa độ mốc chuyển hướng đường biên giới trên đỉnh Tà Púc để kịp thời phục vụ hội đàm đánh giá kết quả phân đoạn biên giới thí điểm. Trên hành trình từ Sen Bụt về phía nam núi Tà Púc, đoàn công tác gặp thời tiết xấu, bão lớn, mưa lũ xối rừng. Băng qua nhiều nguy hiểm, trời tối thì tổ công tác mới di chuyển được tới động Tà Púc. Lúc này, núi bất ngờ sạt lở, hàng tấn đất đá ập xuống, vùi lấp. Tất cả 5 đồng chí đều bị thác lũ cuốn trôi và vùi lấp trong đất đá. Đó là tối ngày 12-8-1978.

Ông Hồ Văn Thủy nâng niu những kỷ vật về em trai đã hy sinh dưới chân núi Tà Púc.

Nhận được tin dữ, Bộ CHQS tỉnh Bình Trị Thiên điều động một đại đội của Tiểu đoàn 2 đóng tại Khe Sanh, cùng với 20 CBCS của ĐBP Sen Bụt và đông đảo đồng bào xã biên giới nỗ lực tìm kiếm khắp nẻo rừng núi, suối sông, đào bới đất đá với hy vọng kịp tìm thấy các anh. Đến một tuần sau, đồng đội mới tìm được thi hài 3 người là kỹ sư Tường, Thượng sĩ Trường và Thượng sĩ Dung. Còn Đại úy Cán và Đại úy Tăng thì chưa tìm được. Công cuộc tìm kiếm vẫn được tiếp tục, duy trì hơn 1 tháng sau. Lực lượng tìm kiếm đã đào bới 600m3 đất đá nhưng vẫn không có kết quả. Bia tưởng niệm 5 liệt sĩ hiện được đặt trang trọng ở trung tâm xã Hướng Phùng.

Xúc động, khắc ghi câu chuyện bi tráng thời bình ấy, chúng tôi ngược lên bản Xà Lời, xã Vĩnh Ô, H.Vĩnh Linh nơi đầu nguồn sông Bến Hải gặp thân nhân Liệt sĩ – Thượng sĩ Hồ Văn Trường. Ông Hồ Văn Thủy (1949), anh trai Liệt sĩ Trường không giấu được niềm thương nhớ khi gợi nhắc những kỷ niệm. Liệt sĩ Trường nhập ngũ tháng 2-1973, quá trình ở quân ngũ chiến đấu và rèn luyện luôn gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhắc đến người em trai mà gia đình và bản làng Vân Kiều quá đỗi tự hào này, ông Thủy lại lật giở những tài liệu, kỷ vật, giấy khen còn sót lại. “Chú Trường được nhiều giấy khen trong chiến đấu và công tác lắm”, giọng ông nghẹn ngào. Ông Thủy còn nhớ rõ ngày nhận tin em hy sinh, ông cùng hai người dân của bản Xà Lời lội bộ băng rừng, đèo dốc cả ngày đường mới vào tới Khe Sanh. Đứng trước mộ phần em được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ bắc Đường 9 thuộc xã Tân Hợp, H.Hướng Hóa, ông Thủy khóc không thành tiếng. Liệt sĩ Trường hy sinh là nỗi mất mát quá lớn, và bao năm qua vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người thân.

Mỗi dịp tháng 3, ngày truyền thống BĐBP, gia đình ông Thủy lại càng nhớ thương khắc khoải. Và ông cũng hiểu, ở nơi ấy, trên núi Tà Púc và ngay Bia tưởng niệm đặt ở xã Hướng Phùng, lớp lớp con em của xã, CBCS ĐBP Hướng Phùng, Công an, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn cũng hướng về đó với tất cả niềm tri ân tha thiết. Không chỉ có họ mà tất cả CBCS BP toàn tỉnh Quảng Trị và đồng bào biên giới cũng đang cố gắng ngày đêm giữ gìn biên cương, bảo vệ đường biên cột mốc, xứng đáng với sự hy sinh của những người con dũng cảm đã ngã xuống trong sự nghiệp cao cả xây dựng và củng cố đường biên giới hữu nghị Việt – Lào, đời đời ghi nhớ, muôn thuở lưu danh.

Bảo Hà