“Tắc vốn” trong đầu tư nhà ở xã hội
* Kiến nghị cho phép bán thí điểm nhà ở xã hội
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do ông Nguyễn Đức Hiền - Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Ban Dân nguyện làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Một trong các nội dung được quan tâm tại buổi làm việc là vấn đề giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở khu công nghiệp (KCN), nhà ở cho học sinh, sinh viên... trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Hiền – Trưởng ban Dân nguyện QH phát biểu tại buổi làm việc. |
Cung chưa đủ cầu...
Ông Phan Tấn Tuyền, Chánh Thanh tra thành phố cho biết: Về nhu cầu nhà ở đối với người thu nhập thấp, trong năm 2013, khảo sát hơn 268.000 hộ trên địa bàn Đà Nẵng về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội thì có 9.468 hộ có nhu cầu. 6 tháng năm 2014, trong số 9.989 hộ thuộc diện hộ nghèo, thu nhập thấp thì có đến 5.385 hộ có nhu cầu về nhà ở (sửa chữa, xây dựng mới, xin thuê chung cư...).
Trong khi đó, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố đã đưa vào sử dụng là 171 khối nhà với 8.212 căn hộ. Số hộ đã được bố trí thuê là 7.733 hộ, còn trống 479 căn. Các căn hộ còn trống dành để bố trí cho các hộ giải tỏa và các hộ di dời từ nhà liền kề chuyển sang. “Hiện nay nhu cầu đăng ký thuê chung cư của các đối tượng khó khăn về nhà ở và các đối tượng CBCCVC, lực lượng vũ trang rất lớn, nhưng số lượng căn hộ còn rất ít so với nhu cầu”, ông Tuyền cho biết.
Đối với công nhân ở các KCN, qua khảo sát hơn 51.000 lao động tại 213 doanh nghiệp (DN) thì có tới gần 29.000 người có nhu cầu về nhà ở (chiếm hơn 55%). Tháng 8-2012, UBND thành phố đã có chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân, triển khai lập quy hoạch, phê duyệt dự án và giao cho Sở KH-ĐT làm chủ đầu tư, với tổng mức hơn 1.215 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình nguồn vốn ngân sách khó khăn nên thành phố chưa triển khai đầu tư thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn này, thành phố đã triển khai chương trình cho người dân ở gần các KCN có đất sạch đủ điều kiện được vay vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, tuy nhiên, ban đầu số lượng hộ đăng ký vay nhiều nhưng đến thời điểm tiến hành họp dân để kiểm tra trước khi cho vay thì số lượng hộ xin vay giảm nhiều. Lý do là nhu cầu thuê nhà giảm, không có tài sản đảm bảo, không có đăng ký kinh doanh, không chứng minh được nguồn thu nhập khi đưa nhà cho thuê vào hoạt động...
Về phía các DN, trước đây thành phố đã có quy hoạch một số khu đất gần các KCN để giao trực tiếp cho các DN có nhiều lao động để đầu tư xây dựng các khu chung cư cho công nhân thuê, nhưng các DN này đã không đầu tư do khó khăn về nguồn vốn và đã trả lại đất cho thành phố. Đến nay chỉ có dự án “Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh” dành cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân do CTCP Sài Gòn Xanh – Thuận Phước đang chuẩn bị đầu tư, đến nay chưa có khu nhà ở công nhân nào được xây dựng hoàn thành để bố trí cho công nhân tại các KCN...
Một KTX dành cho sinh viên tại Đà Nẵng. |
Kiến nghị cho phép bán thí điểm nhà ở xã hội cho dân
Trước những khó khăn về nhà ở như đã nêu ở trên, ông Võ Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Đoàn Giám sát có ý kiến với Chính phủ đồng ý về chủ trương để TP Đà Nẵng bán thí điểm một số block nhà ở xã hội thuộc nguồn vốn ngân sách sau khi xây dựng hoàn thành nhưng chưa bố trí hoặc đã bố trí cho thuê nhằm tái đầu tư các dự án nhà ở xã hội khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện nay.
Bởi theo ông Khương, thực tế cho thấy, một số nhà cho thuê trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, hư hỏng, thậm chí không còn sử dụng được nữa, người dân đã chuyển về nơi ở mới nhưng thành phố vẫn chưa thu hồi được vốn. “Vấn đề này trước đây thành phố đã có đề nghị nhưng đến nay vẫn phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Còn nếu không cho thì Đà Nẵng sẽ “lách” như một số địa phương khác đã làm, đó là lập quỹ phát triển nhà riêng, kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng nhà, sau đó thành phố sẽ mua lại và bán cho người dân”, ông Võ Duy Khương nói.
Liên quan đến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, cũng theo ông Khương, việc tiếp cận nguồn vốn này là rất khó, tốc độ giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn rất chậm. Nguyên nhân một phần là do những đối tượng thu nhập thấp khi mua nhà thì không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định, mang nhiều rủi ro cho ngân hàng về mặt pháp lý, khi người vay không trả được nợ hoặc xảy ra tranh chấp phải khởi kiện nên các ngân hàng từ chối cho vay...
“Đối với nhà ở cho công nhân, hiện Đà Nẵng đang rất lúng túng vì các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, bởi đa số công nhân chỉ đủ điều kiện để thuê chứ mua thì rất khó, trong khi nhà đầu tư lại không muốn bỏ tiền chẵn để đi thu từng đồng lẻ như vậy. Ngân sách thành phố bỏ ra thì càng không có để thực hiện”, ông Khương nêu vấn đề.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện các bộ, ban, ngành trao đổi, giải đáp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến chính sách giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân và nhà ở cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Hiền ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Đà Nẵng trong công tác này thời gian qua.
Ông Hiền cho rằng, hiện tại áp lực về nhà ở tại Đà Nẵng chưa phải là lớn nhưng trong tương lai, vấn đề này chắc chắn sẽ có. “Riêng đối với nhà ở cho công nhân, đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết, trách nhiệm này không chỉ của địa phương mà còn là trách nhiệm của Quốc hội, của Trung ương. Vì vậy, Đoàn Giám sát sẽ ghi nhận và có báo cáo với UBTVQH xem xét và tìm hướng tháo gỡ thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Hiền kết luận tại buổi làm việc.
Doãn Hùng