“Tái chế xốp bằng tinh dầu thực vật”: Hướng đến môi trường xanh

Thứ bảy, 10/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Với đề tài “Tái chế xốp bằng tinh dầu thực vật”, Hà Thúc Tiến và Đoàn Phạm Phước Long (học lớp 12/1 Trường THPT Chuyên Quốc học, Huế) đã giành Giải Nhất Hội thi sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật ViSEF cấp quốc gia khu vực miền Trung- Tây Nguyên tổ chức ngày 4- 3. Được biết, 2 học sinh này với ý tưởng đo cửa Ngọ Môn đã từng đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Intel ISEF quốc tế năm 2011 tại Mỹ.

Diễn ra tại Huế, Hội thi ViSEF toàn quốc khu vực miền Trung- Tây Nguyên có sự tham gia của 39 thí sinh đến từ một số tỉnh, thành phố. Có tổng cộng 19 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc 7 lĩnh vực: Hóa sinh; Khoa học máy tính; Kỹ thuật điện và cơ khí; Lý - Kỹ thuật; Môi trường; Khoa học thực vật; Môi trường và Xã hội hành vi. Đây là những đề tài xuất sắc của các học sinh đã được lựa chọn từ các kỳ thi cấp tỉnh và thành phố. Vượt qua các đề tài dự thi, đề tài “Tái chế xốp bằng tinh dầu thực vật” đã được Ban giám khảo đánh giá có tính hiệu quả cao nhất khi ứng dụng vào thực tiễn.


 Long và Tiến đang tiến hành các thí nghiệm. Ảnh: HẢI LAN

Chia sẻ về ý tưởng chọn đề tài nghiên cứu này, Đoàn Phạm Phước Long cho biết: “Tình cờ, trong một lần ăn cơm gà, cơm được chứa trong hộp xốp có kèm theo một miếng chanh. Em chợt thấy có một lỗ nhỏ và đôi chỗ loang lỗ trên thành hộp, ngay chỗ tiếp xúc với lớp vỏ của miếng chanh. Em thử lấy vỏ chanh đó chà lên thì thấy lỗ thủng càng lớn và bắt đầu đặt câu hỏi: ”Tại sao lại có lỗ thủng đó?”. Bắt tay vào tìm hiểu, Long và Tiến nhận thấy rằng đề tài này có tác động rất lớn đến môi trường. Các tác giả dẫn chứng, ví như để phân hủy 1 lít thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, phải mất đến 30 năm. Để phân hủy 1 túi ni-lon trong điều kiện bị chôn lấp, phải mất đến hàng trăm năm và đặc biệt là xốp, vật liệu cực kỳ khó bị phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Hằng ngày, ước tính thế giới dùng từ 40- 50 ngàn tấn xốp và thải ra môi trường phần lớn trong số đó. Ngày nay, người ta dùng axetone để phân hủy xốp trong công nghiệp, tuy nhiên cũng rất hạn chế vì do chi phí tái chế cao và acetone là hóa chất rất độc hại cho con người cũng như sinh vật. Vì vậy, một giải pháp xanh để giải quyết ô nhiễm môi trường đất do xốp gây nên sẽ đặt nền móng cho việc bảo vệ môi trường ngày một xanh, sạch, đẹp.

 “Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở nên nóng bỏng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ô nhiễm môi trường đất. Ô nhiễm môi trường đất đáng báo động vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người mà còn là nguyên nhân của ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí… Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất chủ yếu là do việc sinh sống của con người sử dụng quá nhiều chất độc hại mà môi trường khó có thể phân hủy được… Đó cũng là lý do thôi thúc chúng em chọn đề tài Xử lý và tái chế xốp bằng tinh dầu thực vật. Với đề tài này, chúng em hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp mới để tái chế xốp, rẻ tiền và thân thiện với môi trường”- Long và Tiến cho biết.

* Ngoài đề tài “Xử lý và tái chế xốp bằng tinh dầu thực vật” đạt Giải Nhất, BGK đã trao giải nhì cho đề tài “Ảnh hưởng của mạng xã hội đến một số kỹ năng sống của học sinh” (Trường THPT Nguyễn Huệ, TT- Huế).
Trong 3 giải ba thì tỉnh Quảng Trị chiếm 2 đề tài là: “Hệ thống tự động cảnh báo và đóng mở rào chắn ở nơi giao nhau giữa đường sắt và đường bộ” (Trường THPT Đông Hà, Quảng Trị); “Phần mềm tìm hiểu địa lý, lịch sử Việt Nam” (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị).
Giải ba còn lại thuộc về Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) với đề tài “Diệt ruồi vàng và bươm bướm hại quả bằng dung dịch giấm đường và chất độc từ cây dã quỳ”.
Cả 5 đề tài này đang được BTC đề cử tham dự hội thi Intel ISEF quốc tế năm 2012 tại Mỹ diễn ra từ ngày 13 đến 18- 5 sắp tới.

Tiến hành các xét nghiệm vật lý, Tiến và Long đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công phương pháp hòa tan xốp bằng tinh dầu chiết xuất từ vỏ cam, quýt và cho kết quả cao. Theo BTC, đề tài này mang tính hiệu quả cao khi tinh dầu cam, chanh sẽ được ứng dụng rộng rãi, thay thế cho acetone trước đây... Ngoài ra, hàng ngày, người dân sử dụng và thải ra môi trường hàng tấn hộp xốp và vỏ chanh, cam. Như vậy, vỏ chanh, cam, quýt, bưởi đều có khả năng làm nhiên liệu cho công nghiệp tái chế xốp rẻ tiền, vừa hiệu quả vừa bảo vệ môi trường. Việc sử dụng vỏ cam, quýt không những làm giảm đi lượng rác thải hữu cơ ở các chợ mà đồng thời làm quang cảnh trở nên xanh- sạch-đẹp hơn.

Hà Thúc Tiến chia sẻ: “Bọn em cảm thấy rất vui vì đề tài của chúng em được ban giám khảo và thầy cô cùng bạn bè đánh giá cao và có ý nghĩa thiết thực, bọn em sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành đề tài của mình một cách tốt hơn, có ích cho xã hội”.

H.Lan