Tái diễn tình trạng “xẻ thịt” rừng hương cổ thụ
Được ví như báu vật của đại ngàn, hàng trăm cây hương cổ thụ trên địa bàn xã Krong (H. Kbang, Gia Lai) luôn là “tâm điểm” trong công tác quản lý, bảo vệ và gìn giữ. Oái oăm, những cây hương này cũng trở thành mục tiêu của những đối tượng lâm tặc, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2019, tình trạng “xẻ thịt” rừng hương lại tái diễn. Điều đó đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, bảo vệ quần thể rừng hương còn sót lại giữa đại ngàn này.
Một “cụ hương” có đường kính gốc khoảng 3m bị đốn hạ, toàn bộ gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường. |
“Xẻ thịt” rừng hương
Từ con suối Ble (xã Krong, H. Kbang), chúng tôi men theo đường mòn của những “phu” gỗ để lại xuyên qua dưới những tán rừng. Hơn 3 giờ băng suối, vượt dốc núi dựng đứng, chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực những cây hương cổ thụ bị chặt hạ. Ngay hai bên đường, nhẩm đếm sơ đã có 5-7 gốc hương cổ thụ bị cưa hạ từ lâu, những khúc gỗ hương còn sót lại bị vứt ngổn ngang trên con đường này. Thậm chí, những gốc hương, cành, bìa bị lâm tặc đốt nhằm phi tang dấu vết.
Chếch lên sườn núi, trước mắt chúng tôi là một “cụ hương” với đường kính gốc khoảng 3m đã bị “xẻ thịt”. Theo nguồn tin của P.V, “cụ hương” này đã bị xẻ thịt nhiều lần, lần cách nhau 5-7 tháng. Lâm tặc bằng thủ đoạn đốn hạ rồi dùng cưa phân thành từng hộp (lâm tặc gọi là “trương”) với quy cách dày 15cm, rộng 30cm, dài 2m rồi cho “phu” gùi ra khỏi rừng. Tại hiện trường, không còn một cành, nhánh nào sót lại. Dưới đất chỉ còn lại là những bãi mùn gỗ khổng lồ.
Tiếp tục men theo con đường mòn lên sườn núi, chúng tôi bắt gặp một gốc hương vừa bị cưa hạ. Lâm tặc cũng đã kịp xẻ thân gỗ hương thành từng trương, hộp theo quy cách để có thể gùi khỏi rừng. Tại hiện trường, những hộp gỗ vẫn còn mới tinh, mùi gỗ hương vẫn đậm cả một khu vực, số gỗ này vẫn chưa bị lâm tặc chuyển đi. Có lẽ sự việc đã được các đơn vị chức năng phát hiện, bởi lâm tặc còn để lại “dấu vết” tại hiện trường là dòng chữ ghi trên 1 hộp gỗ: “Bọn mày coi chừng tao nha. Tao mà gặp đc (được) thì chết chắc”.
Nhẩm đếm, chỉ trong vòng bán kính chưa đến 1km song đã có gần cả chục cây gỗ hương bị cưa hạ cả cũ lẫn mới. Theo điều tra của P.V, giá gỗ giáng hương ở khu vực này dao động trong khoảng từ 80 – 100 triệu đồng/m3. Vì thế, lâm tặc càng thêm liều lĩnh, dùng mọi thủ đoạn để “xẻ thịt” những cây hương cổ thụ.
Thậm chí, lâm tặc sau khi khai thác thì đốt luôn gốc, cành, bìa nhằm xóa dấu vết. |
Một tấm gỗ hương được lâm tặc ghi dòng chữ đầy đe dọa: “Bọn mày coi chừng tao nha/ Tao mà gặp được thì chết chắc”. |
Nan giải bài toán giữ rừng
Theo thống kê vào năm 2014, khu vực rừng thuộc lâm phần của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa trên địa bàn H. Kbang có quần thể hương cổ thụ lớn nhất Gia Lai với hơn 407 cây. Số cây hương này tập trung tại 27 khoảnh thuộc 7 Tiểu khu và rải rác trên diện tích 7.900ha rừng mà đơn vị này quản lý. Thế nhưng, đến cuối năm 2018, số cây gỗ hương này chỉ còn 296 cây. Hàng năm, dù chính quyền địa phương cùng với các đơn vị chức năng gồng mình gìn giữ, bảo vệ nhưng vẫn có những “cụ hương” cả trăm tuổi đổ xuống. Trước năm 2015, tình hình khai thác trái phép cây hương cổ thụ diễn biến phức tạp khi có thời điểm cả hàng chục cây hương bị cưa hạ. Từ năm 2016 với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng này tạm lắng xuống. Thế nhưng, trong những tháng 3 và tháng 4-2019, tình hình này lại gia tăng.
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm H. Kbang, từ ngày 1 đến 7-4-2019, đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng phát hiện vụ phá rừng, chặt hạ gỗ hương trái phép tại Tiểu khu 87, 82 thuộc lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa trên địa bàn xã Krong. Cụ thể, ngày 1-4, phát hiện tại lô 8, khoảnh 8, Tiểu khu 87 có 6 cây gỗ bị khai thác trái phép. Trong đó, có 4 cây gỗ Hương bị cưa hạ, thiệt hại hơn 13m3. Tiếp đó, ngày 7-4, lực lượng bảo vệ rừng đã bắt quả tang đối với đối tượng Hoàng Văn Duệ (1985, trú xã Thanh Thạch, H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) khi đang cùng với đồng bọn cưa xẻ gỗ hương trái phép tại khoảnh 2, Tiểu khu 82. Tuy nhiên, lợi dụng rừng rậm, các đối tượng khác đã tẩu thoát. Ngoài bắt giữ được đối tượng Duệ, lực lượng bảo vệ rừng cũng đã thu giữ 2 cưa xăng. Tại hiện trường, lực lượng phát hiện 1 cây hương bị cưa, xẻ trái phép bằng cưa xăng và 4 cây đổ lây. Khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định, số gỗ hương bị thiệt hại là gần 4m3.
Bước đầu Duệ khai nhận, Duệ được 1 đối tượng tên A. thuê vào rừng khai thác gỗ hương với quy cách dày 15cm, rộng 30cm, dài 2m, sau khi gùi ra bìa rừng sẽ được đối tượng A. trả 2 triệu đồng/hộp. Vào 3 giờ ngày 7-4, Duệ cùng các đối tượng vào rừng xẻ hộp cây hương, đến 7 giờ khi đang xẻ thì bị phát hiện, bắt giữ. Hiện, Hạt Kiểm lâm H. Kbang đã ra quyết định khởi tố vụ án cả 2 vụ khai thác rừng trái phép trên và chuyển toàn bộ tài liệu, hồ sơ cũng như đối tượng cho CQĐT CAH Kbang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc vì... lâm tặc đe dọa
Ông Võ Ngộ, Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa cho biết: “Những cây giáng hương dù được chúng tôi cho lực lượng bảo vệ gắt gao nhưng vẫn bị lâm tặc triệt hạ. Lực lượng mỏng, chỉ có 20 người nhưng rừng thì mênh mông như thế. Chúng tôi còn phải đối mặt với những nguy hiểm về rừng núi hiểm trở, lâm tặc manh động. Thời gian này, nhiều đối tượng lâm tặc từ Quảng Bình câu kết với người dân địa phương cứ chờ cơ hội là ra tay đốn hạ trái phép giáng hương.
Còn ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Kbang cho biết lâm tặc thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động khi gỗ hương ngày càng có giá trị cao trên thị trường. “Lâm tặc không chỉ manh động, thậm chí chúng còn quay ra gây áp lực lại cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, như: chúng cưa hạ cây xuống, không thèm lấy gỗ mà ngang nhiên báo chính quyền khiến anh em quản lý, bảo vệ rừng chùn tay, sợ trách nhiệm. Có anh em quản lý, bảo vệ rừng vào làm chưa được bao lâu, bị chúng đe dọa sợ quá bỏ việc...”, ông Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND H. Kbang nhận định: “Không loại trừ khả năng lâm tặc câu kết với lực lượng chức năng để phá rừng. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan công an và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt để bóc gỡ những đường dây khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Và điều quan trọng hơn là để dân gần rừng sống được với rừng bằng những chính sách cụ thể, biến họ thành lực lượng bảo vệ rừng, là tai mắt... thì lâm tặc mới hết đất sống”.
Được biết, trước tình hình tái diễn tình trạng “xẻ thịt” rừng hương cổ thụ nơi đây, chiều 12-4, Huyện ủy Kbang đã phải có cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng trong việc giữ gìn, bảo vệ những cây hương nơi đây, đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng, nhóm lâm tặc trên địa bàn. Bên cạnh đó, lãnh đạo H. Kbang cũng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra huyện vào cuộc để kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan.
MINH TÂN