Tái định cư thủy điện A Vương: Bài học về sự lãng phí
(Cadn.com.vn) - Nằm ở khu vực đầu nguồn lòng hồ thủy điện A Vương, H. Đông Giang (Quảng Nam), khu tái định cư (TĐC) Ka La, Ka Lua được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, khu TĐC phần thì đã sụt đổ xuống lòng hồ, phần nhà cửa bỏ hoang. UBND H. Tây Giang đã phải huy động từ nhiều nguồn vốn, lập lại nơi ở mới cho nhân dân... Một sự lãng phí hiển hiện.
Nhà làm việc của UBND xã Dang trước đây đã sụt hẳn xuống lòng hồ thủy điện A Vương. |
Hàng chục tỷ đồng chôn xuống lòng hồ và bỏ hoang phế
Cuối năm 2012, chúng tôi đã có chuyến thực tế và thực hiện loạt phóng sự về khu TĐC Ka La, Ka Lua, đã dự báo những bất cập từ hiện trạng 69 ngôi nhà sàn bê-tông, trụ sở UBND xã Dang, khu nội trường tiểu học... được xây dựng theo thế "bậc thang" nằm chênh vênh sát mép bờ lòng hồ thủy điện.
Nay trở lại khu TĐC vào một ngày cuối tháng 8-2014, những "dự báo" đã không còn là dự báo mà hiển hiện trước mắt. Thật đau lòng. Ấn tượng đầu tiên là con đường từ bờ đập chính của nhà thủy điện A Vương dẫn vào khu TĐC, do Ban QLDA Thủy điện A Vương xây dựng trước đây, nhiều đoạn đã sụt lở, xuống cấp trở nên lầy lội, cỏ dại hai bên đường mọc um tùm, khuất lấp làm con đường vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Xót xa hơn nữa là cả một khu TĐC cho người dân bỏ hoang, nằm khuất lấp trong cây dại. Nhà làm việc UBND xã Dang, vẫn còn nguyên cây trụ ăng ten, nhà nội trú của học sinh trường tiểu học một nửa đã sụt xuống lòng hồ thủy điện không còn dấu vết.
Cả một khu dân cư với hàng chục ngôi nhà im lìm, hoang phế đến lạnh người. Ông Bling Mia, Chủ tịch UBND H. Tây Giang trầm ngâm: "Tôi cũng không rõ, hồi đó Ban QLDA thủy điện A Vương xây dựng cho người dân mỗi ngôi nhà chính xác trị giá là bao nhiêu, nhưng theo thời giá bấy giờ cũng phải 500 triệu cho mỗi ngôi nhà...". Thử làm một phép tính, 500 triệu đồng mỗi nhà cho 69 ngôi nhà sàn bê-tông, cùng nhà làm việc UBND xã, trường tiểu học, trạm y tế, các công trình phụ trợ, chi phí cho toàn khu TĐC này cũng ngót ngét cả trăm tỷ đồng. Vậy mà cả trăm tỷ đồng đó bây giờ phần thì chìm dưới lòng hồ, phần thì nằm hoang phế, khuất lấp trong cỏ dại... Trách nhiệm này thuộc về ai ?
Khu tái định cư mới Ka La, Ka Lua, do UBND huyện Tây Giang xây dựng cho người dân, ổn định đời sống. |
Quyết tâm không để đời sống người dân bất ổn
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Bling Mia cho biết, trước thực trạng nêu trên, Đảng bộ, Chính quyền và các ban ngành H. Tây Giang vô cùng trăn trở... Người dân đã phải dời bỏ thôn làng, ruộng rẫy để nhường đất cho dự án thủy điện, bây giờ lại lâm vào cảnh sống bất ổn, đời sống khó khăn, khổ cực, thì đúng là có tội với người dân. Nhất thiết cần phải di dời, chuyển đổi cho người dân đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Kể từ khi dự án xây dựng nhà thủy điện A Vương hoàn thành, nhà máy đã chuyển giao cho Cty CP Thủy điện A Vương quản lý, cuối năm 2012, UBND H. Tây Giang đã có văn bản đề nghị với Cty này và xây dựng đề án báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam về việc xây dựng nơi ở mới, di dời chuyển đổi nơi ở cho người dân khu TĐC Ka La, Ka Lua.
Dự án được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt. Với sự đề nghị của UBND huyện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hỗ trợ 12,5 tỷ đồng để xây dựng mới lại hệ thống đường điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Tuy nhiên khi bàn đến vấn đề di chuyển cho người dân thì lại gặp rắc rối, người dân không chịu di dời mà yêu cầu phải đền bù nơi ở cũ thì mới chịu di dời. Vấn đề này thì UBND huyện "bó tay", vì trách nhiệm khi xây dựng khu TĐC lòng hồ thủy điện không phải của UBND huyện mà của Ban QLDA thủy điện A Vương trước đây.
69 ngôi nhà định cư 2 thôn Ka La, Ka Lua nay đã bỏ hoang phế vì có nguy cơ sụt xuống lòng hồ thủy điện A Vương khi mùa mưa bão. |
Song cũng không thể để người dân sống trong tình trạng bất ổn được, bằng mọi giá phải vận động người dân di dời. UBND huyện, HĐND, các Ban ngành đoàn thể với sự phối hợp của các già làng có uy tín như già làng Bnước Bê (thôn Ka Lua), A Lăng Nghiêm (thôn Ka Tiếc) đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích, người dân mới hiểu và đồng ý di dời. Bằng các nguồn vốn từ Chương trình 30A, 135, 167 của Chính phủ cùng sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp... UBND huyện đã lập phương án di dời 115 hộ dân 2 khu TĐC lòng hồ thủy điện Ka La, Ka Lua đến khu TĐC mới thuộc 2 thôn Ka Tiếc và BaĐull, cách khu TĐC cũ khoảng 6 km đường rừng.
Khu TĐC mới được xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống thủy lợi, cấp nước sạch, đường điện lưới quốc gia, trung tâm UBND xã Dang với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Ở khu TĐC cũ chỉ có 69 hộ, nhưng sau thời gian con em người dân xây dựng gia đình mới đã phát sinh lên 115 hộ dân, UBND huyện đã hỗ trợ cho mỗi hộ xây dựng một ngôi nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng, đồng thời khai hoang hơn 7 ha đất để người dân có thể sản xuất canh tác trồng cây lúa nước, đảm bảo ổn định đời sống. Đến cuối năm 2013, cơ bản đời sống người dân khu TĐC Ka La, Ka Lua đã đi vào ổn định, yên tâm sinh sống làm ăn tại khu TĐC mới.
Ông Bling Mia tâm sự: "Di dời thành công đến khu TĐC mới cho người dân 2 thôn Ka La, Ka Lua là một cuộc "cách mạng" của Đảng bộ, chính quyền và các Ban ngành đoàn thể H. Tây Giang. Cuộc sống bất ổn trước đây ở khu TĐC cũ do Ban QLDA thủy điện A Vương xây dựng, cả một thời gian dài, H. Tây Giang đã phải "đau đầu" tìm cách tháo gỡ. Trao đổi với Công ty CP thủy điện A Vương, Cty này cho rằng họ hết trách nhiệm. Họ nói có lý của họ, vì trách nhiệm này thuộc Ban QLDA trong thời gian tiến hành xây dựng nhà máy. Trao đổi với EVN, ngành này cho rằng trước đây họ đã đầu tư...!
Cuối cùng, một điều có thể nhận thấy rõ, hậu quả của một khu TĐC chi phí cả trăm tỷ đồng của nhà nước phải bỏ hoang phế là sự "thiếu trách nhiệm" của những người "có trách nhiệm" thuộc Ban QLDA thủy điện A Vương và chính quyền H. Hiên cũ trước đây. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Chính quyền cùng ngành chức năng tỉnh Quảng Nam không thể "bỏ quên" sự việc này. Nếu không có sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền H. Tây Giang, cuộc sống, thậm chí tính mạng người dân sẽ ra sao ? Hàng trăm tỷ đồng sụt xuống lòng hồ, và bỏ hoang phế, cần phải làm rõ trách nhiệm về sự thiếu trách nhiệm này.
Hồng Thanh